Kinh tế tư nhân được 'giải phóng' khỏi sợ hãi
Nghị quyết 68 được Bộ Chính trị ban hành được ví như một Nghị quyết chưa từng có trong lịch sử kinh tế Việt Nam hiện đại, về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm 'giải phóng năng lực của khu vực kinh tế tư nhân'.
Nghị quyết lần này không chỉ thay đổi chính sách, mà thay đổi quan hệ. Nhìn tư nhân không còn là đối tượng quản lý, mà là đối tác cùng kiến tạo. Tư duy “kiểm tra - phát hiện - xử phạt” chuyển sang “đồng hành - hỗ trợ - cùng phát triển”.
Lần đầu tiên, doanh nghiệp được nói rõ, nếu vi phạm về kinh tế trước tiên sẽ được khuyến khích tự khắc phục bằng biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính. Hình sự là bước cuối cùng và không được hồi tố.
Đó là thông điệp mạnh mẽ: kinh tế không thể phát triển bằng sự sợ hãi. Doanh nhân phải được giải phóng khỏi bóng ma pháp lý để có thể toàn tâm toàn ý sáng tạo, làm giàu, đóng góp cho đất nước. Nếu chúng ta đọc kỹ, Nghị quyết này không chỉ là một văn bản kinh tế, nó giống như một bản tuyên bố cho quyền làm ăn, một “hiến chương thị dân” ở cấp độ chính sách.
Từ quyền tiếp cận đất đai, được thuê đất công miễn phí; đến quyền được miễn thuế, hỗ trợ lãi suất nếu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hay làm các dự án xanh - tuần hoàn. Thậm chí, chuyên gia, nhà khoa học về làm việc cho startup cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Tại sao phải có một Nghị quyết đặc thù mang tên “đột phá”? Bởi vì có những nút thắt mà suốt 20 năm qua, dù cải cách nhiều lần vẫn không gỡ được.
Thứ nhất là sự chồng chéo, bất định trong pháp luật và thủ tục hành chính, khiến chi phí tuân thủ cao hơn cả chi phí sản xuất.
Thứ hai là nỗi lo bị thanh tra, kiểm tra đột xuất, bất ngờ làm tan rã sự an tâm của doanh nhân.
Thứ ba là rào cản tiếp cận đất đai, vốn, tài chính và ưu đãi thuế, những thứ mà doanh nghiệp nhà nước hoặc thân hữu thì dễ, còn người ngoài thì mỏi mòn chờ đợi.
Nghị quyết lần này không nói chung chung, có yêu cầu cụ thể: “Mỗi doanh nghiệp chỉ bị thanh tra tối đa một lần mỗi năm”, “Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm cho doanh nghiệp nhỏ”, “Hộ kinh doanh không còn bị đánh thuế khoán từ 2026”, “Hỗ trợ lãi suất 2% cho dự án xanh”…
Quan trọng hơn, Nghị quyết cam kết nếu có sự khác nhau giữa luật hiện hành và nghị quyết này, sẽ ưu tiên áp dụng nghị quyết. Tức pháp lý không còn là rào cản. Đó không phải là ưu ái, mà là sự sòng phẳng.
Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải rà soát, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, và phải hoàn thành lộ trình này trước cuối năm 2025. Một “chính phủ kiến tạo” sẽ không chỉ ban hành chính sách tốt, mà còn đảm bảo mọi cấp dưới không được cản trở việc thực thi.
Chưa thể nói rằng Nghị quyết này sẽ lập tức thay đổi thực tế. Sẽ vẫn có những cán bộ trì trệ, những địa phương chậm hiểu tinh thần cải cách. Sẽ có những nhà đầu tư còn nghi ngờ, vì quá nhiều năm bị hứa hẹn.
Nhưng lần này, niềm tin đang trở lại. Khi Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, ban hành một nghị quyết cụ thể và cam kết sửa luật để thể chế hóa tiếp, thì điều đó đồng nghĩa cải cách không còn là việc của Chính phủ, mà là của cả hệ thống chính trị.
Việt Nam từng có những bước nhảy ngoạn mục khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999. Tinh thần đó đã tạo nên một thế hệ doanh nhân dân tộc. Nhưng sau 2 thập niên, nhiều rào cản mới sinh ra từ chính sự phát triển nóng, từ hành lang pháp lý chưa đồng bộ, từ sự can thiệp quá mức của hành chính.
Nhưng với Nghị quyết 68 giống như một lần “tái thiết thể chế”, để nuôi dưỡng lớp doanh nhân thời đại mới nhiều tri thức hơn, nhiều ý tưởng hơn, và nhiều khao khát vươn ra toàn cầu.
Nghị quyết 68 là bước đầu cho một cuộc khai phóng mới. Khai phóng tư tưởng của quản lý. Khai phóng tiềm năng của dân. Khai phóng tương lai của một nền kinh tế dựa trên sáng tạo, chứ không phải phụ thuộc. Và nếu thực thi được đúng tinh thần ấy, nó sẽ là một bước ngoặt không chỉ về chính sách, mà về triết lý quản trị quốc gia.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/kin-te-tu-nhan-duoc-giai-phong-khoi-so-hai-post122970.html