Kinh tế tư nhân Trung Quốc dưới tác động kép của chính sách ưu đãi và cơ hội đổi mới

Dưới tác động kép của chính sách ưu đãi và cơ hội đổi mới sáng tạo, sức sống và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc đang được củng cố rõ nét trong quý I/2025.

Công nhân làm việc bên trong nhà máy sản xuất xe điện ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Công nhân làm việc bên trong nhà máy sản xuất xe điện ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Dưới tác động kép của chính sách ưu đãi và cơ hội đổi mới sáng tạo, sức sống và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc đang được củng cố rõ nét trong quý I/2025 với số lượng doanh nghiệp mới, đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng trưởng mạnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, trong quý I/2025, Trung Quốc ghi nhận gần 1,98 triệu doanh nghiệp tư nhân mới thành lập, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức tăng trưởng trung bình của 3 năm gần đây. Đầu tư tư nhân cũng đảo chiều tăng 0,4%, trong đó riêng lĩnh vực sản xuất và hạ tầng tăng lần lượt 9,7% và 9,3%.

Các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, hạ tầng thế hệ mới và kinh tế số đang trở thành điểm nóng đầu tư tư nhân. Quý I/2025 ghi nhận 274.000 doanh nghiệp tư nhân mới trong lĩnh vực kinh tế số, chiếm 13,9%, trong đó dịch vụ sản phẩm kỹ thuật số tăng mạnh nhất.

Hoạt động xuất, nhập khẩu sôi động với 529.000 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 455.000 doanh nghiệp tư nhân, đánh dấu mức cao nhất từng ghi nhận trong cùng kỳ. Về thị trường, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu với gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất nhập khẩu với các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng 7,4%, châu Phi 9,6%, Mỹ Latinh 5,2%, Liên minh châu Âu (EU) 7,1% và Nhật Bản 4,8%. Kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao đạt gần 1.000 tỷ Nhân dân tệ (NDT) – mức cao nhất cùng kỳ.

Các số liệu trên cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân xem việc “ra biển lớn” là chìa khóa tăng trưởng, với sức sống xuất nhập khẩu mạnh mẽ, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng cao và thúc đẩy xu hướng mới như “xuất ngoại bằng thương hiệu”, chú trọng “xanh – ít phát thải”, thương mại điện tử xuyên biên giới và kho ngoại quốc. Giới chuyên gia cũng đánh giá doanh nghiệp tư nhân đang không ngừng nâng cao năng lực đổi mới công nghệ, tận dụng cải cách để có thêm cơ hội và mở rộng thị trường toàn cầu.

Đồng hành với xu hướng này, những năm gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là mở cửa bình đẳng các lĩnh vực hạ tầng cạnh tranh. Chuyên gia cao cấp của Hội Nghiên cứu Kinh tế tư nhân Trung Quốc La Trinh Lễ cho rằng, biện pháp này đã phá vỡ rào cản tiếp cận thị trường, khơi dậy sức sống của kinh tế tư nhân, thúc đẩy cạnh tranh công bằng và đổi mới. Một ví dụ cụ thể là tuyến đường sắt cao tốc Hàng Châu–Thiệu Hưng–Đài Châu - dự án do tư nhân nắm cổ phần đầu tiên, đạt doanh thu hơn 800 triệu NDT năm 2024, tăng 18% so với năm trước, góp phần minh chứng cho nỗ lực của Trung Quốc.

Chính phủ cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án quốc gia lớn, nhất là trong lĩnh vực khoa học, góp phần thúc đẩy đổi mới trong chuỗi ngành. Nguồn lực đổi mới được chia sẻ rộng rãi, cùng với cơ chế “tuyển chọn theo bảng” và chính sách khấu trừ R&D (Research and Development – Nghiên cứu và phát triển) giúp tạo môi trường phát triển thuận lợi.

Nhu cầu thị trường đối với sản phẩm, dịch vụ đổi mới tăng cao, trong đó tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân chuyển từ vai trò theo sau sang dẫn đầu. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế như đầu tư vào nghiên cứu cơ bản còn thấp, tỷ lệ chuyển hóa sở hữu trí tuệ chưa cao. Giới chuyên gia khuyến nghị cần tăng cường chính sách khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, thúc đẩy mô hình đổi mới phối hợp theo chuỗi và xây dựng liên minh đổi mới, chia sẻ nguồn lực sáng tạo.

Quang Hưng (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-tu-nhan-trung-quoc-duoi-tac-dong-kep-cua-chinh-sach-uu-dai-va-co-hoi-doi-moi/372664.html