Kinh tế tư nhân Việt: 'Cơ hội vàng' từ Nghị quyết 68
Với những cải cách sâu rộng, rõ mục tiêu, chuyển hướng từ quản lý sang kiến tạo, Nghị quyết số 68- NQ/TW đang mở ra chương mới cho kinh tế tư nhân Việt Nam. Nhưng thành công sẽ phụ thuộc vào tốc độ hành động và độ sâu thể chế, cũng như ở tư duy của mỗi doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, nếu chậm chân, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội vàng này.

Nghị quyết 68 được ban hành đã khơi thông điểm nghẽn cho kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: Hoàng Anh
Giải quyết điểm nghẽn
Hiện khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 940.000 DN và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Cùng với đó đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị DN. Trách nhiệm xã hội của DN, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên. Trong số này, đã xuất hiện một lực lượng DN tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị DN, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: T&T Group, Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…

Kinh tế tư nhân sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển. Ảnh: Hoàng Anh
Nghị quyết 68 là một bước đột phá về tư tưởng, khi lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là động lực quan trọng nhất. Nếu triển khai đúng hướng, phần lớn các điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ. Hành trình từ chủ trương đến hiện thực không thể chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước. Đó là một quá trình song hành, trong đó DN, chuyên gia và toàn xã hội phải cùng bước tới.
Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính
Nghị quyết số 68-NQ/TW Bộ Chính trị vừa ban hành nhấn mạnh nội dung phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Điều đó cho thấy, kinh tế tư nhân có đủ điều kiện để bứt phá.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân, những chỉ đạo, định hướng, giải pháp quan trọng tại Nghị quyết 68 chính là điều cộng đồng DN từng mong mỏi. Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trong Nghị quyết trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cùng với đó, từ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính đang được thực hiện quyết liệt, DN được thụ hưởng những cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu cụ thể, thiết thực.
Điển hình như các chính sách của Nhà nước đề ra sẽ phù hợp cho việc hỗ trợ đội ngũ DN tư nhân được tiếp cận nguồn vốn tài chính, hạ tầng, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số… một cách “công bằng” như với những chủ thể kinh tế khác. Điều đó góp phần giải quyết những khó khăn thời gian qua và hun đúc mạnh hơn nữa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất cho DN.

Công nhân trong xưởng sản xuất quế hồi xuất khẩu của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh. Ảnh: Khắc Kiên
Thực tế cho thấy, nhiều DN hiện đang gặp khó khăn do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu nhất quán. Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA Đinh Thị Thúy cho rằng, cộng đồng kinh tế tư nhân, trong đó các DN nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế nên muốn có sự phát triển đột phá cần thay đổi tư duy trong quản lý và quản trị điều hành từ cơ quan Nhà nước đến các DN.
Bà Thúy cho hay, để thực thi Nghị quyết số 68, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi với các văn bản hướng dẫn cụ thể, minh bạch, rõ ràng. Trong đó, các chính sách cần hướng đến những hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao hoạt động đào tạo nhân lực, tăng khả năng tiếp cận vốn… cũng như tạo cơ chế để chính các DN hỗ trợ DN, giúp nhau về công nghệ trong kinh doanh.
Từ góc độ DN, bà Đinh Thị Thúy cũng nêu, xu thế cạnh tranh không còn là câu chuyện “cá lớn nuốt cá bé” mà là “nhanh nuốt chậm”, nên các DN phải chủ động thích ứng với xu thế hiện nay khi bối cảnh kinh tế và công nghệ luôn thay đổi rất nhanh và khó lường.
Cùng vào cuộc
Mặc dù về mặt chính sách, việc cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết đã có, song điều DN cần ngay lúc này đó là việc thực thi các chính sách này. Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt kiến nghị, Chính phủ nên có những Tổ công tác đặc biệt để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, đề xuất từ phía cộng đồng DN.

Thương hiệu DeTHEIA của May 10. Ảnh: Khắc Kiên
Ông Thân Đức Việt cho rằng, nếu không có bộ phận chuyên trách, kiến nghị dù nhiều cũng khó có thể được giải quyết, hoặc DN kiến nghị quá nhiều mà không xác thực thì việc giải quyết còn khó khăn hơn. Phải làm sao để con đường từ chính sách đến thực tiễn được ngắn nhất.
“Khi cơ chế, chính sách được tháo gỡ, phải trả lời được câu hỏi là DN có quyết tâm hay không. Bản thân May 10 luôn có khát vọng vươn tầm bởi nếu không có khát vọng sẽ chỉ quanh quẩn trong phạm vi hẹp mà khó tiến xa" - ông Thân Đức Việt cho biết.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội khẳng định: Việc thực thi mạnh mẽ sẽ quyết định sự thành công của Nghị quyết 68. Cần nhìn nhận DN như một thực thể pháp lý độc lập. Khi thể chế đã được cởi mở, các DN sẽ không còn mang nỗi lo bị phân biệt đối xử hay gặp khó khăn khi gia nhập thị trường. Tuy nhiên, chỉ những DN có năng lực thực sự, biết đổi mới và tận dụng cơ hội mới có thể bứt phá và trụ vững trong dài hạn. Do đó, để Nghị quyết 68 thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự đồng hành và chủ động từ phía DN. Các DN tư nhân cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và phản biện chính sách, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực quản trị, vận hành và tuân thủ pháp luật.

Trong dây chuyền sản xuất của TrungThành Foods. Ảnh: Hoàng Anh
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vân thông tin, ngay sau khi Nghị quyết 68 ban hành, đội ngũ DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thành viên HANSIBA cũng cần nắm biết rõ, nhận thức sâu sắc về nội dung về nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể được nêu trong Nghị quyết. Từ việc đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn vốn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn lực về đất đai; tăng cường kết nối giữa các DN tư nhân, với DN Nhà nước và FDI; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân… Từ đó kiên định thực hiện mọi hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Gây dựng DN ngày thêm lớn mạnh, bền vững. Đóng góp hiệu quả, thiết thực trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày thêm giàu đẹp trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Một trong những "bộ tứ chiến lược" được chỉ ra là phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nên Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng để phát triển khu vực này, trong đó mới đây nhất là Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Vì thế, yêu cầu đặt ra là phát triển kinh tế tư nhân để đúng với khả năng, năng lực đủ sức cạnh tranh, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN nhỏ và vừa cũng là bộ phận quan trọng của kinh tế tư nhân Việt Nam, nên việc triển khai các nghị quyết cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể, giúp các DN hiểu rõ và nắm bắt.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-tu-nhan-viet-co-hoi-vang-tu-nghi-quyet-68.701797.html