Kinh tế tuần hoàn - cơ hội phát triển nông nghiệp xanh

Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất. Các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao, tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.

Tiết kiệm chi phí sản xuất

Thành lập tháng 11/2021, HTX Nông nghiệp Sơn La, huyện Mai Sơn là đơn vị đi đầu trong mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Với mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn, tất cả những phụ phế phẩm trong chăn nuôi bò được thu gom, xử lý cùng vỏ cà phê để nuôi trùn quế, sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp ngược trở lại cho các hạng mục trồng trọt. Đây được xem là một trong những HTX đầu tư nông nghiệp khép kín, đầu tư bài bản.

Tham quan cơ sở chăn nuôi, sản xuất phân bón tại xã Chiềng Mung, anh Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn La, giới thiệu: HTX hiện có 4 trang trại tại xã Cò Nòi và Chiềng Mung, nuôi 800 con bò 3B. Thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, HTX không bỏ bất cứ 1 thứ gì, phân bò được ủ cùng bã cà phê, vỏ lụa sắn để nuôi trùn quế, nước thải chăn nuôi sau khi được xử lý dùng tưới cỏ nuôi bò. Trùn quế được sử dụng nuôi ba ba, lợn rừng và sản xuất phân bón hữu cơ.

Mô hình nuôi bò 3B tại HTX Nông nghiệp Sơn La.

Mô hình nuôi bò 3B tại HTX Nông nghiệp Sơn La.

Áp dụng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn phân bón hữu cơ trùn quế cho các chuỗi trồng rau sạch tại địa bàn huyện Mộc Châu, HTX cà phê Bích Thao tại Thành phố và các hộ trồng, chăm sóc cây ăn quả, cây cảnh trên địa bàn tỉnh; cung cấp hàng trăm tấn thịt bò 3B thương phẩm và hàng trăm con bò giống ra thị trường. Bên cạnh đó, HTX thu mua lượng lớn vỏ cà phê, rơm, cỏ hoặc phế phụ phẩm sau sản xuất của Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La để chế biến sản xuất làm phân bón cung cấp tuần hoàn ngược trở lại ra thị trường. Lợi ích của mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn giúp HTX tiết kiệm đầu tư chi phí từ phân bón, thân thiện với môi trường.

Tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, với công suất 5.000 tấn mía/ngày và khoảng 600.000 tấn mía/vụ, thải ra hàng chục nghìn tấn bã mía và bã bùn mía mỗi năm. Giải quyết bài toán này, Công ty sử dụng công nghệ sinh học biến phế thải, rác thải thành nguyên liệu đầu vào trong sản xuất. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, cho biết: Bã mía thải ra trong quá trình chế biến được Công ty sử dụng một phần làm nhiên liệu đốt phát điện cho nhà máy, giảm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty có một phân xưởng chế biến với dây chuyền sản xuất phân vi sinh từ 5.000-6.000 tấn phân bùn ủ men dùng cho bón thúc và bón lót vùng nguyên liệu mía và 3.000-4.000 tấn tro lò bón cho cây mía, rau, cây ăn quả. Sản xuất khép kín, tuần hoàn giúp Công ty tiết kiệm tối đa chi phí, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài 2 mô hình kinh tế tuần hoàn trên, trong tỉnh còn có các mô hình ứng dụng, như: Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu sử dụng toàn bộ thân, lá của cây ngô sinh khối làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sản xuất thức ăn cho bò sữa; sản xuất phân bón sử dụng phế phụ phẩm của ngành chăn nuôi làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp, HTX sử dụng phế phụ phẩm của ngành trồng trọt để đốt sinh nhiệt phục vụ sản xuất điện, sấy nông sản, làm than sinh học phục vụ sản xuất tinh bột sắn, đốt lấy tro sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón...

Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn còn khá mới mẻ với nông dân, nhưng thực tế rất đơn giản, bất cứ nông dân nào cũng có thể áp dụng. Trong hệ thống này, chất thải chăn nuôi sử dụng phục vụ cho trồng trọt; phế phụ phẩm trong trồng trọt sử dụng thức ăn chăn nuôi. Việc tạo ra sản phẩm an toàn, tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường là điểm khác biệt giữa nông nghiệp tuần hoàn với nông nghiệp truyền thống

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tỉnh Sơn La có nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn với hàng triệu tấn/năm như: rơm, rạ, cỏ, bã mía. Toàn tỉnh có trên 8 triệu con gia súc, gia cầm được nuôi theo quy mô trang trại, gia trại. Trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, tỉnh Sơn La đặt ra mục tiêu: Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản... Theo đó, nông nghiệp tuần hoàn là điểm nhấn trong việc tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, cho biết: Ngành Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng các mô hình; đồng thời giới thiệu, tuyên truyền các mô hình điển hình trong phát triển kinh tế tuần hoàn, nhất là việc sử dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tái sản xuất; từ đó nhân rộng mô hình, tạo phong trào sâu rộng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Quan trọng nhất là nhân dân nhận thức được việc tái sử dụng các sản phẩm hữu cơ trong sản xuất đem lại môi trường trong lành.

Phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là cơ hội để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp như hiện nay. Đây là xu thế tất yếu, là nội dung đang được tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm, định hướng để phát triển xanh, nhanh và bền vững, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/kinh-te-tuan-hoan-co-hoi-phat-trien-nong-nghiep-xanh-i3CG7kXVR.html