Kinh tế tuần hoàn có thể trở thành động lực tăng trưởng mới?
Kinh tế tuần hoàn nhằm tiết kiệm tài nguyên, tối ưu hóa hiệu suất của doanh nghiệp, có thể trở thành động lực tăng trưởng theo lý thuyết kinh tế học.
“Ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn để tạo động lực tăng trưởng mới” là một trong những quan điểm được Chính phủ đưa ra tại Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035.
Kinh tế tuần hoàn với tiết kiệm và tăng trưởng
Kinh tế tuần hoàn có thể được hiểu theo cách đơn giản là việc tiết giảm tiêu thụ tài nguyên thông qua tối ưu hóa các nguồn lực đầu vào, hạn chế thải bỏ, thay bằng tái chế, tái sử dụng.
Nói cách khác, kinh tế tuần hoàn giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã và đang áp dụng những giải pháp tuần hoàn nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí và đạt được kết quả tích cực.
Chẳng hạn, khu liên hợp thép ở Hải Dương và khu kinh tế Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát tiết kiệm được gần 4 nghìn tỷ đồng nhờ giải pháp đúc – cán liên tục, tận dụng nhiệt lượng từ phôi thép nóng, hay gần một nửa chi phí xử lý nước thải được tiết kiệm ở TCE Jeans khi áp dụng các giải pháp tuần hoàn nước thải.
Tăng trưởng kinh tế thực chất là sự tăng trưởng về tổng cầu vì GDP là tổng cầu của nền kinh tế. Do đó, tiết kiệm thường được coi là “kẻ thù” của tăng trưởng bởi ở góc nhìn hẹp, tiết kiệm tức là bớt đi phần đầu tư, tiêu dùng. Phần tiết kiệm được của doanh nghiệp, như một số trường hợp nêu trên, được coi là sự giảm tăng trưởng.
Tuy nhiên, quan điểm này không thực sự chính xác. Theo mô hình kinh tế học Harrod – Domar, tiết kiệm là nguồn gốc của đầu tư, nghĩa là về lý thuyết, tiết kiệm luôn bằng với đầu tư trong một nền kinh tế đóng (nền kinh tế không có xuất nhập khẩu).
Tức, tiết kiệm là một hình thức tích lũy vốn và đây được xem như động lực tăng trưởng chính trong mô hình Harrod – Domar. Các mô hình tăng trưởng kinh tế học khác đưa ra nhiều quan điểm về động lực tăng trưởng chính, không bó hẹp ở tích lũy vốn như Harrod - Domar nhưng không phủ nhận vai trò động lực của việc tích lũy vốn.
Ở góc độ doanh nghiệp, lý thuyết này có thể hiểu đơn giản là phần chi phí tiết kiệm được có thể sử dụng để tái đầu tư, giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế.
Đây cũng là lý do TS. Mai Huy Tân, vị doanh nhân từng thành công với thương hiệu Xúc xích Đức Việt và đưa Công ty CP Thực phẩm Đức Việt tăng trưởng ở mức ba con số trong nhiều năm, khẳng định kinh tế tuần hoàn là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế.
“Giải pháp để Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển chắc chắn phải là kinh tế tuần hoàn”, ông Tân nói với TheLEADER.
Kinh tế tuần hoàn với chính sách trọng cung
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có hai trường phái chính sách thường được áp dụng. Đầu tiên là chính sách trọng cầu, tức thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thông qua các động lực từ phía cầu, bao gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nghịch chu kỳ.
Hai chính sách này đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Việc phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa và tiền tệ giúp Việt Nam giữ được mức tăng trưởng dương trong suốt giai đoạn Covid-19, sau đó phục hồi đà tăng trưởng một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chỉ có dư địa nhất định, không thể lạm dụng nếu không muốn đánh mất ổn định vĩ mô. Muốn đạt được đà tăng trưởng hai con số như mục tiêu đề ra cho Kỷ nguyên mới, cần thiết phải phối hợp với loại chính sách thứ hai để thúc đẩy tăng trưởng là chính sách trọng cung.
Chính sách trọng cung là việc phát triển các yếu tố sản xuất, tức là thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong kinh tế học, đường tổng cung dài hạn là một đường thẳng vuông góc với trục sản lượng và song song với trục giá, thể hiện tổng cung dài hạn không bị tác động bởi giá, chỉ có thể dịch chuyển bởi các yếu tố tăng sản lượng.
Chính sách trọng cung, thông qua thúc đẩy năng lực doanh nghiệp tư nhân, giúp đẩy đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang phía bên phải, qua đó nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng nhưng không gây áp lực lạm phát.
Các giải pháp chính của chính sách trọng cung bao gồm tự do hóa kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích tư nhân hóa, xã hội hóa một số dịch vụ công để tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.
Kinh tế tuần hoàn có thể là mảnh ghép bổ sung hoàn hảo cho chính sách trọng cung, nhờ vào việc tiết giảm chi phí, tức là có thể tạo ra sản lượng cao hơn với cùng một đơn vị nguồn lực.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tối ưu hiệu quả hoạt động, nhờ đó nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ.
Chưa kể đến việc các tiêu chuẩn xanh đang dần trở nên phổ biến tại nhiều thị trường tiên tiến trên thế giới. Áp dụng kinh tế tuần hoàn để tiết giảm tiêu hao tài nguyên, năng lượng, giảm phát thải là giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp đáp ứng những tiêu chuẩn này, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.