Kinh tế tuần hoàn - hướng đi tất yếu của nông nghiệp bền vững

Chiều 16-7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn nông nghiệp 2025: 'Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp'.

Lợi ích nhưng còn nhiều rào cản

Khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, Việt Nam có truyền thống nông nghiệp, có thế mạnh về nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường...

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Đức Thịnh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Hương Giang

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Đức Thịnh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Hương Giang

Hiện nay, các mô hình chăn nuôi tuần hoàn được triển khai tại Phú Thọ, Hưng Yên, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Nội… trong đó, phụ phẩm như thân cây ngô, sắn, đậu, lạc được ủ chua làm thức ăn cho gia súc. Phân thải từ chăn nuôi sau đó được xử lý bằng sinh học để tái sử dụng trong trồng trọt. Nhờ vậy, giá thành thức ăn giảm, hiệu quả kinh tế tăng 10-15% so với chăn nuôi truyền thống.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Đức Thịnh, cho biết, mỗi năm, Việt Nam có hơn 156 triệu tấn phụ phẩm (rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, vỏ cà phê, chất thải chăn nuôi…). Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng thấp, mới đạt dưới 35%, chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán, gây phát thải, ô nhiễm; thiếu hệ thống quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia như nhãn mác, nhãn chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, chứng nhận còn hạn chế, tăng rủi ro, giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài ra còn thiếu chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro, khuyến khích đầu tư công nghệ xử lý phụ phẩm; thiếu dữ liệu, bản đồ phụ phẩm - chuỗi - phát thải; chưa có nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp...

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Hương Giang

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Hương Giang

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, bên cạnh hiệu quả, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn gặp rào cản về đất đai, vốn cần sớm được tháo gỡ.

Trong đó, việc tiếp cận đất đai và quy hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều hạn chế; yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lý rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên khó áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm hữu cơ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế…

Cần chiến lược thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

Để phát triển hơn nữa mô hình kinh tế tuần hoàn, các đại biểu cho rằng, cần ban hành chiến lược riêng về nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh, lồng ghép vào các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực, gắn với mục tiêu Net-zero.

Cùng với đó, cần xây dựng quy trình, tiêu chuẩn và hệ thống chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn chịu rủi ro rất cao, nhất là về thị trường nên rất cần nhãn mác riêng để tạo cơ sở cho người tiêu dùng dễ dàng phân biệt, góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường, tăng giá trị, tạo động lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào kinh tế tuần hoàn; phát triển thị trường nông sản tuần hoàn, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh...

Phát triển kinh tế tuần hoàn để hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững. Ảnh: Tùng Nguyễn

Phát triển kinh tế tuần hoàn để hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững. Ảnh: Tùng Nguyễn

Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần T&T159, để kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trở thành xu thế chủ đạo, cần sớm hình thành hệ sinh thái chính sách đồng bộ, bao gồm các cơ chế hỗ trợ tài chính và tín dụng xanh; ưu đãi thuế và đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sạch, tuần hoàn; phát triển hạ tầng vùng sản xuất tập trung; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy trình, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đào tạo nhân lực, thúc đẩy kết nối thị trường...

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, việc thúc đẩy mô hình tuần hoàn cần được xem là quá trình chuyển đổi tư duy lâu dài. Trong đó, chính sách, công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ có thể phát huy nếu gắn chặt với thực tiễn...

Có thể nói, kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn mà đã là yêu cầu bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng bền vững cho nông nghiệp Việt Nam. Để hiện thực hóa, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giới khoa học và nhà đầu tư...

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kinh-te-tuan-hoan-huong-di-tat-yeu-cua-nong-nghiep-ben-vung-709266.html