Kinh tế tuần hoàn hướng tới việc phát triển nông nghiệp bền vững
Đồng Tháp là vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nguồn nguyên liệu từ sản xuất lúa khoảng 3,3 triệu tấn/năm. Chính vì vậy, lượng phế phụ phẩm từ nông nghiệp khá lớn. Ước tính mỗi năm, tỉnh có trên 5 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp và 19 triệu tấn bùn thải ao nuôi cá tra. Nhận thấy tiềm năng từ nguồn phụ, phế phẩm nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã đầu tư công nghệ chế biến phụ, phế phẩm nông nghiệp thành những mặt hàng mang lại giá trị cao.
Chế biến phụ phẩm thành tài nguyên tái tạo
Điển hình có thể kể đến mô hình tái chế vỏ trấu của Công ty TNHH MTV Mai Anh Đồng Tháp. Theo lãnh đạo công ty, Đồng Tháp là một trong những vựa lúa lớn của cả nước nên nguồn vỏ trấu thu được sau khi xay xát lúa gạo hết sức dồi dào và ổn định. Nắm bắt xu thế phát triển của thị trường và hướng đến cuộc cách mạng xanh cho nền kinh tế, Công ty Mai Anh Đồng Tháp đã chọn vỏ trấu là nguồn nguyên liệu chính cho tất cả các sản phẩm của mình.
Từ vỏ trấu thu được, bằng công nghệ tiên tiến, đơn vị này đã cho ra đời các sản phẩm phục vụ cả nông nghiệp lẫn công nghiệp. Chẳng hạn, than trấu (biochar) được hầm trong điều kiện yếm khí, vỏ trấu cho ra than trấu sinh học có tỷ lệ carbon sinh khối từ 35-40%. Than trấu sinh học được trộn với các nguyên liệu sản xuất ra phân hữu cơ sinh học an toàn, bón vào đất trồng giúp cải tạo đất. Ngoài ra, vỏ trấu còn được dùng để sản xuất ra chất đốt (biomas) như: củi trấu viên, củi trấu đập, silica... thân thiện với môi trường.
Trong ngành thủy sản, nhiều DN đã tận dụng khai thác chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm có giá trị gia tăng, như cá tra, ngoài phần thịt phi lê xuất khẩu thì còn nhiều phụ phẩm (đầu, ruột, xương, mỡ, da cá) đã được DN đầu tư công nghệ chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, ngoài nguồn thu từ sản phẩm chính là cá tra phi lê chiếm 66% thì xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng cũng chiếm tới 19%. Đặc biệt, nhóm hàng collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra đem về doanh thu đứng thứ ba cho công ty.
Không chỉ các DN lớn với những khoản chi “khủng” cho phát triển xanh, mà không ít DN vừa và nhỏ đang chọn con đường phát triển sản phẩm theo mô hình tuần hoàn, bền vững. Công ty TNHH Công Nghệ ENDOTA, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh thực hiện quy trình chế biến phụ phẩm xoài theo vòng tuần hoàn từ chế biến, nuôi trồng mang lại hiệu quả cao. Theo đó, công ty tận dụng nguồn phế phẩm xoài để nuôi ấu trùng ruồi lính đen; lấy ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho vịt, gà hoặc chế biến thành các chế phẩm sinh học dịch thủy phân cung cấp dinh dưỡng cho trồng trọt, thủy sản... Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình bước đầu còn góp phần tích cực xử lý môi trường, nhất là giải quyết nguồn phụ phẩm từ xoài.
Hợp tác xã Phú Thọ, ấp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông, thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc cũng đem lại kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, rơm sau khi thu hoạch lúa được thu gom phục vụ sản xuất nấm rơm, sau khi kết thúc vụ nấm thì rơm lại được thu gom để sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho cây trồng. Mô hình mang lại hiệu quả nhờ tận dụng được tối đa lợi ích của rơm rạ cho sản xuất nấm và lợi nhuận từ phân bón hữu cơ giá rẻ (ước tính giá thành sản xuất phân bón hữu cơ chỉ từ 3.000- 3.500 đồng/kg).
Hay mô hình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ ấu (thực hiện tại xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) đã góp phần giải quyết khoảng 30 tấn vỏ ấu mỗi tháng. Ngoài việc tạo thêm nguồn phân bón cho cây, mô hình cũng góp phần giải quyết lượng rác thải trong nông nghiệp...
Tiềm năng phế phụ phẩm nông nghiệp còn rất lớn
Có thể thấy, việc đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng các chất thải, phụ phẩm sau sản xuất đã mang lại nhiều lợi ích cho DN và môi trường. Đối với DN, sẽ giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Đối với môi trường, sẽ hạn chế được nguồn chất thải lớn từ các hoạt động sản xuất...
Hiện Đồng Tháp có nguồn nguyên liệu từ sản xuất lúa khoảng 3,3 triệu tấn/năm, với lượng phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản vô cùng lớn. Ước tính mỗi năm, tỉnh có trên 5 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp và 19 triệu tấn bùn thải ao nuôi cá tra (trong đó, phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo ước trên 4 triệu tấn, rau màu 389 nghìn tấn, cây ăn trái 277 nghìn tấn, chế biến cá tra 151 nghìn tấn), nếu được tận dụng hiệu quả sẽ mang lại lợi ích rất lớn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa thực sự đạt ở mức độ cao, vẫn còn nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, tình trạng lãng phí các phế, phụ phẩm cây trồng, vật nuôi vẫn còn... Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua chủ yếu là nông nghiệp kết hợp, nông nghiệp sinh thái, sản xuất truyền thống,... còn hạn chế về số lượng, chất lượng và mức độ ứng dụng công nghệ chưa cao.
Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế tuần hoàn là hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Hầu hết các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất thải, khí phát thải. Do đó, việc các DN đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng chất thải sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các hiệp định này. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.
Riêng với tỉnh Đồng Tháp, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện đến năm 2025, theo ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh sẽ đẩy mạnh các giải pháp như: tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua hội nghị tập huấn, hội thảo, xây dựng và triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch; hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn...