Kinh tế tuần hoàn không chỉ là quản trị chất thải
Theo các chuyên gia, thực hiện kinh tế tuần hoàn cần phải có những tiêu chí cụ thể để đánh giá, về cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, thay vì chỉ dựa vào tiêu chí 'kinh tế tuần hoàn để giảm phát thải'.
Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chính thức được phê duyệt và ban hành, trong đó có Điều 142 quy định về định nghĩa, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tiêu chí, lộ trình và cơ chế cho kinh tế tuần hoàn. Các nội dung này tiếp tục được quy định chi tiết tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật.
TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, ngay từ trước thời điểm Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành, đã có rất nhiều quy định, chính sách khác nhau hướng đến kinh tế tuần hoàn. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam thuận theo xu thế chung mang tính tất yếu trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Tùng nhìn nhận, dù các khái niệm, định nghĩa cùng nhiều quy định có liên quan được ban hành nhưng vẫn còn nhiều yếu tố chưa được chính sách làm rõ, khiến không chỉ doanh nghiệp, người dân mà còn cả các bộ, ngành và địa phương lúng túng trong việc thực hiện.
Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng tiêu chí để đo lường, theo dõi kinh tế tuần hoàn. Ông Tùng nhận định, đây là điều rất cần thiết để cụ thể hóa mô hình kinh tế cho từng ngành nghề, lĩnh vực.
“Xây dựng tiêu chí về kinh tế tuần hoàn rất cần thiết để xem đối với mỗi ngành, kinh tế tuần hoàn là gì, các khâu như thiết kế, sản xuất, thải bỏ… cụ thể như thế nào và làm thế nào để đạt được. Không thể cứ nói kinh tế tuần hoàn là giảm phát thải”, nguyên lãnh đạo Tổng cục Môi trường nhận xét.
Mặt khác, cần có cả những cơ chế về vay vốn, khuyến khích tài chính, công nghệ… cũng cần dựa vào tiêu chí để đánh giá. Vị chuyên gia cho biết, trên thế giới, OECD và một số quốc gia đã ban hành những tiêu chí riêng. Việt Nam có thể xem xét kinh nghiệm quốc tế để tìm ra giải pháp phù hợp với trình độ phát triển.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, nhìn nhận, kinh tế tuần hoàn có các tiêu chí chung là giảm khai thác, giảm phát thải và kéo dài tuổi thọ sản phẩm. Tuy nhiên, để cụ thể hóa, cần nhìn nhận kinh tế tuần hoàn dưới nhiều góc độ, từ thiết kế, sản xuất, phân phối… chứ không chỉ ở khía cạnh quản lý chất thải.
Dựa trên cơ sở dữ liệu, các ngành và các doanh nghiệp mới có thể đo lường được và “biết chúng ta đang ở đâu, chúng ta phải làm những gì để đạt được kế hoạch” về kinh tế tuần hoàn
Do đó, xây dựng tiêu chí cụ thể về kinh tế tuần hoàn, ông Thái đề xuất cần tập trung hơn vào khía cạnh kinh tế và gia tăng lợi ích kinh tế, từ đó các chủ thể mới có động lực tham gia.
TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), cho biết, ISPONRE được giao để xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Trong kế hoạch quốc gia này, một yếu tố quan trọng là xây dựng các bộ chỉ số về kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia và cấp ngành để các bên liên quan có thể tham chiếu.
Mặt khác, kế hoạch hành động quốc gia cũng xác định một số lĩnh vực và hành động ưu tiên. Công việc này hết sức khó khăn bởi có nhiều ngành rất có tiềm năng ứng dụng kinh tế tuần hoàn, cũng như nhiều lĩnh vực đã triển khai kinh tế tuần hoàn từ trước khi có pháp luật quy định chi tiết.
Về điều này, ông Tùng đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và đầu tư đang xây dựng dự thảo đề án thí điểm kinh tế tuần hoàn. Theo ông Tùng, cần phải thí điểm cho các ngành mới có kinh nghiệm và cơ sở để mở rộng.
Mặt khác, nguyên lãnh đạo Tổng cục Môi trường nhấn mạnh vai trò của một cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn. Dựa trên cơ sở dữ liệu, các ngành và các doanh nghiệp mới có thể đo lường được và “biết chúng ta đang ở đâu, chúng ta phải làm những gì để đạt được kế hoạch”. Do đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn là việc “cần làm ngay” để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách.