Kinh tế tuần hoàn về rác thải nhựa: Nỗ lực nâng cao nhận thức người dân về 'vòng xoay của hạt nhựa'

Tọa đàm 'Kinh tế tuần hoàn về rác thải nhựa tại Việt Nam' trong khuôn khổ Ngày hội Sống xanh TP.HCM lần 4 đã ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ các giải pháp thực tế để phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn...

Tọa đàm tổng kết nhiều thành quả đạt được của Dự án phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Lê Quân

Tọa đàm tổng kết nhiều thành quả đạt được của Dự án phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Lê Quân

Chương trình Ngày hội Sống xanh lần 4 do Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM phối hợp UBND Quận 5 tổ chức tại công viên Văn Lang (quận 5) với nhiều hoạt động thú vị. Buổi tọa đàm là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ sự kiện, là nơi đại diện các sở ngành liên quan, chính quyền địa phương và doanh nghiệp như Unilever Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhựa Tái Chế Duy Tân cùng ngồi lại trao đổi, chia sẻ các giải pháp, sáng kiến trong lĩnh vực xử lý rác thải; những thành công của Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa ở quận 7 (TP.HCM)...

Chia sẻ trong tọa đàm, Bà Võ Lương Bình Nguyên - Trưởng phòng Phát triển bền vững Unilever Việt Nam chia sẻ: “Unilever Việt Nam là một doanh nghiệp có các nhãn hàng rất thân thuộc với gia đình Việt như: Lifebuoy, Sunlight hay Omo. Trong gần 3 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, phát triển bền vững là tiêu chí hàng đầu cũng như là khung chiến lược trong vận hành của Unilever. Trong đó, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa/nhựa là trọng tâm. Unilever Việt Nam cũng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu việc ô nhiễm nhựa, thông qua việc phối hợp với các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà thu gom tái chế như Duy Tân Tái Chế… và người dân, cũng như sự chỉ đạo và phối hợp của chính quyền địa phương”.

Unilever Việt Nam là doanh nghiệp thường xuyên đồng hành cùng chính quyền thành phố trong việc lan tỏa các giải pháp sản xuất và tiêu dùng bền vững đến cộng đồng. Từ năm 2023, Unilever đã đề xuất cùng đồng hành, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa ở quận 7 với mong muốn mang rác thải nhựa trở về lại vòng tuần hoàn và giảm thiểu việc ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Bà Hà Thị Thanh Thủy, Ủy viên ban thường vụ hội liên hiệp phụ nữ quận 7, cho biết: “Là đơn vị phối hợp với Unilever Việt Nam cho Dự án phân loại thu gom tái chế rác thải nhựa, chúng tôi đã triển khai hoạt động xuống hội liên hiệp phụ nữ 10 phường và vận động người dân và cán bộ hội tham gia các hoạt động. Dự án đã tổ chức 8 buổi tập huấn tại các cơ sở của Hội liên hiệp phụ nữ quận 7 và tập huấn ở các phường về phân loại rác thải nhựa, tổ chức tuyên truyền cũng như lắp đặt thùng rác phân loại tại UBND quận, UBND phường, các khu dân cư trường học, trung tâm thương mại, siêu thị.”

Tọa đàm thu hút sự quan tâm, lắng nghe của nhiều người tham gia Ngày hội Sống xanh Ảnh: Lê Quân

Tọa đàm thu hút sự quan tâm, lắng nghe của nhiều người tham gia Ngày hội Sống xanh Ảnh: Lê Quân

Nhờ triển khai hàng loạt các giải pháp, đến nay, dự án đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa cho nhiều hộ dân. Khi người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của việc phân loại rác nhựa tại nhà một cách triệt để, tiến hành phân loại tốt thì việc tái chế sẽ thuận lợi, đỡ tốn kém hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa.

Bà Huỳnh Thị Kim Oanh, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu phố 3, phường Tân Quy (quận 7), chia sẻ: “Khi bà con hiểu được ý nghĩa chương trình mọi người rất nhiệt tình đồng hành cùng với Hội, bắt đầu tách nhựa riêng ra để hàng tháng hoặc đem rác thải nhựa đổi cho Duy Tân Tái Chế để lấy quà của Unilever Việt Nam tài trợ, những phần quà thiết yếu cũng phần nào giúp bà con giảm được chi tiêu trong gia đình.”

Người tham gia sử dụng máy tái chế rác thải nhựa tại gian hàng của Unilever. Ảnh: Lê Quân

Người tham gia sử dụng máy tái chế rác thải nhựa tại gian hàng của Unilever. Ảnh: Lê Quân

Đại diện đơn vị tái chế, ông Lê Viết Đông Hiếu - Trưởng phòng Marketing và PTBV Duy Tân Tái Chế cũng cho biết: “Duy Tân Tái Chế là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam áp dụng công nghệ tái chế "Bottle-to-Bottle", tức là những chai nhựa sau khi sử dụng sẽ được thu gom và tái chế thành các chai nhựa mới, qua đó khép kín vòng lặp tuần hoàn của chai nhựa, giúp giảm thiểu việc sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Tương tự với các sản phẩm của Unilever như chai sữa tắm Dove, chai nước rửa chén Sunlight… những sản phẩm này hiện nay đã được Unilever sử dụng nhựa tái chế 100%, đó cũng là một số tín hiệu tích cực cho ngành tái chế tại Việt Nam”.

Sự thành công bước đầu của mô hình xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa ở quận 7 là cơ sở quan trọng để những người thực hiện nhân rộng mô hình khắp TP.HCM và toàn quốc. Đại diện Duy Tân Tái Chế cho biết thêm: “ Ngoài những chương trình dành cho Hội liên hiệp phụ nữ quận 7, hiện nay, cùng với Unilever Việt Nam và Hiệp hội tái chế rác thải Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện thêm những chương trình dành cho các em học sinh quận 7 và sẽ phát triển mạnh mẽ vào năm sau.”

Được biết, Ngày hội Sống xanh là sự kiện môi trường thường niên, nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và ngày Môi trường thế giới (5/6) với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động trong ngày hội hướng đến các tiêu chí bền vững như chú trọng sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Đây là nơi các nhà sản xuất, đơn vị thu gom tái chế, các tổ chức đoàn thể và người dân cùng chung mục tiêu bảo vệ môi trường.

Khánh Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kinh-te-tuan-hoan-ve-rac-thai-nhua-no-luc-nang-cao-nhan-thuc-nguoi-dan-ve-vong-xoay-cua-hat-nhua.htm