Kinh tế | Vấn đề hôm nay TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Để nông nghiệp Lai Châu phát triển bền vững, có thương hiệu riêng, giúp cho hàng ngàn hộ dân có công ăn việc làm ổn định. Tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) có chiến lược lâu dài ngay từ khâu tổ chức sản xuất, quy trình kỹ thuật theo định hướng thị trường, tiêu chuẩn, công nghệ đến chỉ dẫn, mẫu mã sản phẩm, đăng ký bảo hộ.
Nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu
Theo khảo sát của phóng viên tại một số đồi chè ở thành phố Lai Châu, các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, tình trạng bà con vẫn lén lút sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình làm cỏ chè; có hộ sử dụng thuốc kích thích sau một lứa hái để giúp chè ra búp nhanh hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng quy trình, thuốc không nằm trong danh mục được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho phép lưu hành. Điều này không chỉ gây tác động xấu đến vùng nguyên liệu mà còn ảnh hưởng chất lượng chè.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, mặc dù, nhiều doanh nghiệp chú trọng đảm bảo vùng nguyên liệu sạch như: cung ứng phân bón, thuốc BVTV, lịch phun, thời điểm phun nhưng nhiều người dân vẫn còn xem nhẹ sử dụng một cách bừa bãi. Để hạn chế tình trạng này, cần phải tổ chức sản xuất chặt chẽ giữa hộ trồng chè với cơ sở chế biến như: thực hiện thu hái đảm bảo, sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn... Có như vậy, chất lượng nguyên liệu chè mới được nâng lên, từ đó đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nga. Ngoài ra, Doanh nghiệp, HTX cần đầu tư công nghệ chế biến nhất là đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến sâu, chú trọng đóng gói bao bì, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân.
Để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đã tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ cho người dân vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu an toàn, hữu cơ, VietGap. Các địa phương, doanh nghiệp bước đầu xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà: “Nhà nước-Nhà khoa học-Nông dân-Doanh nghiệp”. Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường đã ký kết với 4.000 hộ nông dân tham gia trong chuỗi liên kết làm chè cung cấp nguyên liệu cho đơn vị. Riêng 3 xã: Bản Bo, Sơn Bình, Nà Tăm của huyện Tam Đường có trên 1.000 hộ với 1.000ha chè (600ha chè Kim tuyên).
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tòng Văn Láng ở bản Nậm Tàng, xã Bản Bo, huyện Tam Đường tâm sự: "Hiện gia đình có trên 1ha chè được trồng từ giai đoạn 2014 – 2015, trong đó chè Kim tuyên chất lượng cao có trên 3.000m2. Cây chè không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn giúp người dân trong bản từng bước thoát nghèo, làm giàu. Vì vậy, để cây chè phát triển bền vững, gia đình đã viết đơn tham gia vào các tổ nhóm của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường, được đơn vị đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc. Bà con cam kết trong việc nâng cao chất lượng nguyên liệu, chấp hành nghiêm việc không sử dụng thuốc diệt cỏ”.
Là địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh, huyện Tân Uyên có khoảng 3.200ha, trong đó hơn 2.700ha chè kinh doanh. Ông Nguyễn Thanh Văn, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên chia sẻ: Để cây chè có chất lượng, sản phẩm tốt, mang lại nguồn thu ổn định, trở thành cây kinh tế mũi nhọn; về phía chính quyền huyện sẽ chỉ đạo các xã trong việc nâng cao ý thức người dân chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất, chế biến chè quan tâm ký kết với người dân để đưa vào tổ hợp tác có sự ràng buộc bằng quy chế; có lực lượng kiểm soát kỹ thuật chăm sóc (bón phân, phun thuốc) đặc biệt giám sát chặt chẽ tránh việc sử dụng thuốc diệt cỏ trên nương chè.
Ở huyện Phong Thổ, chính quyền địa phương cũng đang chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn rà soát lại các sản phẩm nông sản trong đó có quả chuối tươi. Hướng dẫn bà con cách trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, bón phân, làm cỏ, cắt tỉa lá chuối già, bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần nâng cao chất lượng sản phẩm chuối như: nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ nhằm ổn định đầu ra theo chuỗi liên kết trong sản xuất nông sản. Về lâu dài để tìm hướng phát triển bền vững cho quả chuối tươi, huyện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất: rượu chuối, chuối khô, tơ sợi từ thân cây chuối... tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Chiến lược bền vững, lâu dài
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay Lai Châu đang định hướng một số cây trồng chính để tập trung phát triển; trong đó chè xác định là cây chủ lực (hiện đang tập trung nguồn lực hỗ trợ), cây chuối đang mở rộng tập trung để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu trồng mới trên: 4.000ha mắc ca, 2.400ha chè; 1.600ha cây ăn quả (chanh leo, chuối, cây ăn quả nhiệt đới). Hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung khoảng 3.500ha (1.750ha lúa đặc sản như: tẻ râu, séng cù). Phát triển các loại hoa khoảng 200ha, trên 70.000 chậu hoa địa lan và một số vùng sản xuất rau, củ, quả theo liên kết sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…
Để thực hiện đề án này cũng như tìm đầu ra bền vững cho nông sản nhất là chè, theo Tiến sỹ Dương Đình Đức – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, trước mắt cần thành lập Hiệp hội chè, Hiệp hội nông sản tiếp theo là xây dựng, định hướng các tiêu chuẩn về chất lượng, chỉ dẫn, mẫu mã sản phẩm theo yêu cầu thị trường tiêu thụ. Sở sẽ luôn đồng hành với các doanh nghiệp, HTX chế biến nông sản trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và hoạt động khoa học công nghệ.
Về chiến lược lâu dài, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên đang dần chuyển đổi trong cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển thị trường tiêu thụ vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong nước; tiếp cận các thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, EU, Mỹ, Nga. Đơn vị tiếp tục đầu tư nâng cao máy móc, thiết bị, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng cần tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi lãi suất tiền vay đối với khoản vay mới; gia hạn và không tính lãi quá hạn đối với khoản cũ cho doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến nông sản. Các huyện, thành phố phối hợp sở, ngành triển khai hiệu quả chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 từng bước thúc đẩy phát triển nông sản theo hướng hàng hóa.
Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Về phía UBND tỉnh, cam kết đồng hành với các doanh nghiệp, HTX để tìm hướng giải quyết các nông sản tồn đọng. Tỉnh sẽ làm việc với các đơn vị có hạn ngạch xuất khẩu ở Hà Nội để tìm thị trường; nếu được tỉnh sẽ đứng ra hợp tác với các đơn vị đó, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản Lai Châu. Trong thời kỳ hội nhập, doanh nghiệp phải liên kết với nhau thành một tập thể mạnh để cùng nhau phát triển. Vì vậy, cần sớm thành lập Hiệp hội chè, Hiệp hội Xuất nhập khẩu để liên kết các công ty, doanh nghiệp tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản”.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh cũng cần chủ động trong việc sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, chú trọng đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng, giá cả hợp lý. Có như vậy mới giúp nông sản Lai Châu phát triển bền vững, có thương hiệu riêng, mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.