Kinh tế Việt Nam 2022 có thể tăng trưởng 7,5% trong kịch bản tốt
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (thành viên Tổ tư vấn Chính phủ và giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright), trong kịch bản tốt, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022 có thể đạt mức 7,5%.
Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2022
Chia sẻ nhận định về động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 tại buổi hội thảo trực tuyến “Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2021 và triển vọng cho 2022” vừa diễn ra của Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng, động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 vẫn là xuất khẩu.
Ảnh chụp màn hình hội thảo trực tuyến. Ảnh: LV
Phân tích rõ hơn nhận định này, ông cho biết, trong cả năm 2021, theo công bố của ngành Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 19%, thậm chí còn mạnh hơn cả thời tiền Covid-19 bởi tác động của việc khan hiếm hàng hóa trên thị trường toàn cầu nên cứ sản xuất được thì chúng ta xuất khẩu được.
Khác với năm 2020 - bắt đầu của dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng nhanh được tại thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, sang năm 2021, Việt Nam đã tăng được xuất khẩu sang tất cả các thị trường. Thị trường EU thuận lợi do sự phục hồi trở lại của các nền kinh tế EU và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực nên xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh. Bên cạnh đó, thị trường ASEAN, Đông Bắc Á cũng hồi phục. Về mặt cơ cấu xuất khẩu, Việt Nam ở một vị trí rất thuận lợi khi có thị trường toàn cầu khá đa dạng nên thị trường xuất khẩu này tăng thì sẽ bù đắp cho sự suy giảm của thị trường khác.
Với những nền tảng đó và sự phục hồi của thị trường toàn cầu, ông Thành cho rằng, triển vọng trong năm 2022 đối với xuất khẩu vẫn khá lạc quan, mặc dù có thể khó đạt được tốc độ tăng trưởng 19% như trong năm 2021.
“Theo tính toán thận trọng của tôi thì xuất khẩu sẽ tăng được khoảng 14% trong năm 2022. Ít nhất trong 6 tháng tới, nếu như tình trạng khan hiếm hàng hóa trên toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra thì Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu được trong 6 tháng đầu năm 2022. Sau đó, khi diễn ra lộ trình thắt chặt tiền tệ toàn cầu, có thể người tiêu dùng giảm nhu cầu thì nửa cuối năm 2022, xuất khẩu chậm lại nhưng ít nhất trong cả năm 2022, tình hình vẫn rất khả quan cho động lực xuất khẩu” - chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, nếu như xuất khẩu tăng tốt thì công nghiệp chế biến chế tạo phục vụ cho xuất khẩu cũng sẽ tăng trưởng tốt. Đối với nền kinh tế Việt Nam, triển vọng cho năm nay, công nghiệp đặc biệt là công nghiệp hướng vào xuất khẩu vẫn là bức tranh tích cực.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định, điểm yếu là dưới tác động của đại dịch, sức mua của thị trường nội địa vẫn rất thấp. Câu chuyện đặt ra là làm sao có thể thúc đẩy được tiêu dùng nội địa tăng trưởng trở lại. Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc chúng ta bình thường hóa được cuộc sống với Covid-19 và thực hiện được gói hỗ trợ phục hồi kích thích tăng trưởng mà Quốc hội mới phê duyệt có được triển khai hiệu quả hay không.
Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,5% nếu thuận lợi
Bình luận về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho biết, hiện nay các dự báo tăng trưởng của Việt Nam đang nằm trong mức từ 6,5 - 7%. Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu khiêm tốn khoảng 6,5%.
Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu như bối cảnh thuận lợi thì tăng trưởng có thể ở mức cao hơn con số 7%, còn nếu bối cảnh xấu hơn thì sẽ tăng trưởng thấp hơn mức 6,5%.
Làm rõ hơn nhận định này, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành phân tích, với kịch bản thuận lợi -toàn cầu kiểm soát được lạm phát trong khoảng giữa năm nay và Fed (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) không phải mạnh tay “hút” tiền về, việc tăng lãi suất chỉ là một lộ trình tăng lãi suất bình thường như chúng ta đang kỳ vọng. Trong nước và toàn cầu, Covid-19 không buộc các địa phương phải thực hiện giãn cách lại thì các hoạt động sẽ theo hướng phục hồi.
Thêm vào đó, nếu gói hỗ trợ phục hồi tăng trưởng (khoảng 350.000 tỷ đồng) mới được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống ngay sẽ hỗ trợ phục hồi tốt và nhìn thấy ngay tác động. Còn nếu đẩy mạnh đầu tư công thì tác động sẽ nhìn thấy rõ hơn vào năm 2023, vì đầu tư công không làm nhanh được.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ đảm bảo đủ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, không tăng lãi suất trong điều kiện lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu giữ được đà tăng trưởng, tiêu dùng dân cư tăng 7% (phục hồi mạnh nhờ giảm thuế VAT), đầu tư tăng 10% thúc đẩy bởi đầu tư công… Theo tính toán của chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, với những yếu tố thuận lợi này thì tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam đã tăng lên mức 7,5%.
Trong kịch bản xấu, lạm phát toàn cầu mạnh, đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn sẽ tiếp diễn trong năm nay và lạm phát cao buộc các chính phủ phải mạnh tay thắt chặt tiền tệ và trong nước rủi ro do kích cầu dẫn tới lạm phát tăng, lạm phát có thể vượt mục tiêu 4%. Theo ông, nếu lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 ở mức 5 - 6 % thì vẫn chấp nhận được nhưng nếu trên quá mức này thì sẽ phải có động thái thắt chặt.
“Covid-19 không phải là vấn đề quá lo ngại nếu Việt Nam vẫn thích ứng và sẵn sàng nguồn lực, cố gắng mở cửa thì sẽ có tăng trưởng. Với kịch bản đó, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 theo tính toán của tôi sẽ khoảng dưới 5%” - chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhận định./.