Kinh tế Việt Nam hưởng lợi ra sao khi Anh gia nhập CPTPP?

Sáng 16.7, Vương quốc Anh chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vậy, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi thế nào?

Các đại biểu tham dự lễ ký kết thỏa thuận xác nhận Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sáng 16.7. Ảnh: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam

Các đại biểu tham dự lễ ký kết thỏa thuận xác nhận Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sáng 16.7. Ảnh: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam

Nâng GDP của khối lên 15% tổng mức toàn cầu

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam vừa cho biết, sáng nay 16.7, tại New Zealand, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch đã chính thức ký thỏa thuận xác nhận việc gia nhập CPTPP.

Với việc ký kết này đã đưa Vương quốc Anh trở thành thành viên của khối thương mại hiện đại và đầy tham vọng, bao gồm 12 nền kinh tế trên khắp khu vực châu Á, Thái Bình Dương và châu Âu. Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia CPTPP, cũng là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP được thành lập.

Như vậy, CPTPP sẽ có tổng GDP trị giá 12.000 tỷ bảng Anh và chiếm 15% tổng GDP toàn cầu.

Việc ký kết là sự xác nhận chính thức về thỏa thuận để Vương quốc Anh gia nhập khối thương mại này, sau khi kết thúc đáng kể các cuộc đàm phán vào đầu năm nay. Chính phủ Anh sẽ thực hiện các bước cần thiết để phê chuẩn hiệp định, bao gồm quy trình giám sát của Nghị viện, trong khi các quốc gia thành viên khác của CPTPP hoàn thiện các quy trình nội luật hóa của riêng họ.

Việc ký kết diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Anh công bố một báo cáo mới cho biết vào năm 2019, cứ 100 lao động Anh thì có một người làm việc cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu của khối CPTPP, tương đương với hơn 400.000 việc làm trên khắp Vương quốc Anh.

Tư cách là thành viên của CPTPP dự kiến sẽ thúc đẩy đầu tư vào Anh của các quốc gia thành viên CPTPP, trị giá 182 tỷ bảng Anh vào năm 2021, bằng cách bảo đảm các biện pháp bảo hộ cho các nhà đầu tư.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Anh. Ảnh: ITN

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Anh. Ảnh: ITN

Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Anh

Theo giới phân tích, Anh gia nhập CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho không chỉ nước này mà cả các nước thành viên CPTPP. Theo đó, sẽ đẩy mạnh dịch vụ, khi Vương quốc Anh là nhà cung cấp dịch vụ lớn thứ hai thế giới và dịch vụ chiếm 43% hoạt động thương mại của Vương quốc Anh với các nước thành viên CPTPP vào năm ngoái. Việc tham gia CPTPP có thể giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp khi các công ty của Vương quốc Anh sẽ không bắt buộc phải thành lập văn phòng đại diện hoặc phải cư trú tại quốc gia đó để cung cấp dịch vụ mà có thể hoạt động ngang hàng với các doanh nghiệp địa phương.

Bên cạnh đó là tăng tính linh hoạt. Quy tắc “nguồn gốc xuất xứ hàng hóa” hiện đại có thể giúp các doanh nghiệp Anh cạnh tranh hơn bằng cách cho phép họ giao dịch tự do hơn trong toàn khối CPTPP.

Ví dụ, các nhà sản xuất ô tô của Vương quốc Anh có thể bán miễn thuế động cơ ô tô cho một nhà sản xuất ô tô trong nhóm CPTPP. Nhà sản xuất đó sẽ bán những chiếc ô tô đó cho bất kỳ quốc gia thành viên nào khác mà không phải trả thuế, tùy thuộc vào việc đáp ứng các quy tắc về “nguồn gốc xuất xứ hàng hóa”. Điều này hiện tại không thể thực hiện được thông qua tất cả các hiệp định thương mại song phương mà Vương quốc Anh đang có với các nước thành viên CPTPP. Hiệp định cũng sẽ giúp các nhà xuất khẩu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và tạo ra các cơ hội xuất khẩu mới.

Bên cạnh đó, đầu tư giữa Vương quốc Anh và các nước thành viên CPTPP dự kiến sẽ tăng lên do hiệp định có các điều khoản nhằm hạn chế các rào cản và khuyến khích đầu tư nội khối nhiều hơn. Cổ phiếu đầu tư vào Vương quốc Anh từ các quốc gia thành viên CPTPP đạt trị giá 182 tỷ bảng Anh vào năm 2021...

Riêng với Việt Nam, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cho biết, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước gần đây đã đạt 6,9 tỷ bảng Anh - tăng 29% so với năm ngoái. “Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương manh mẽ hơn nữa”, ông phát biểu.

Cũng theo ông Iain Frew, việc gia nhập CPTPP cho thấy cam kết chiến lược của Vương quốc Anh đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Tôi xin cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự hỗ trợ và hợp tác trong quá trình gia nhập. Sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa khi hai nước chúng ta đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các đối tác và doanh nghiệp để tận dụng tối đa mối quan hệ hợp tác mới này”, ông nói.

Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam Chris Jeffery tin tưởng, cùng với Hiệp định Thương mại Tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) hiện nay, việc Anh gia nhập CPTPP mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn nữa cho cả Việt Nam và Vương quốc Anh. Các cơ hội dành cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm thương mại tốt nhất trên toàn thế giới.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam Warrick Cleine, CPTPP là một hiệp định thương mại không giống bất kỳ hiệp định nào khác. Mặc dù các bên tham gia rất đa dạng và trải rộng trên nhiều khu vực địa lý phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng các thành viên CPTPP chia sẻ cam kết chung về một hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc vượt ra ngoài thương mại hàng hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế kỹ thuật số và thương mại dịch vụ.

“Về cơ bản, CPTPP nên được các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp coi như một phần thiết yếu khác của cơ sở hạ tầng thương mại. Các nhà đàm phán và chính trị gia đã làm phần việc của họ, bây giờ là lúc lãnh đạo doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này”, ông Warrick Cleine nêu hàm ý.

Đ. Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/kinh-te-viet-nam-huong-loi-ra-sao-khi-anh-gia-nhap-cptpp--i336282/