Kinh tế Việt Nam sau 46 năm thống nhất đất nước: 'Phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn'

Sau 46 năm phát triển kinh tế, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu với GDP chưa tới 100 USD/người, thì nay Việt Nam đã trở thành một thế lực kinh tế trong khu vực và cả thế giới.

Bài liên quan

TP. Hồ Chí Minh: Thắp lửa “đầu tàu”

“Thời cơ vàng” cho khát vọng trung tâm tài chính quốc tế thành hiện thực!

TP. Thủ Đức và khát vọng vươn xa của “Thành phố mang tên Bác”

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Học viện Tài chính khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam, sau thời kỳ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước giống như chim phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn”.

Sau 46 năm: Kinh tế Việt Nam hồi sinh từ đống tro tàn

+ Sau 46 năm, nền kinh tế Việt Nam đã có bước nhảy vọt mạnh mẽ, từ một quốc gia được thế giới đánh giá nghèo nàn, lạc hậu. Ông có nhận định gì về sự phát triển thần tốc của kinh tế Việt Nam?

- Kể từ khi Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi là một trong nhiều người khác có may mắn tham gia vào các hoạt động lớn của nền kinh tế Việt Nam. Từ quá trình đổi tiền Sài Gòn sang tiền Giải phóng, cho tới giai đoạn 1985 tiếp tục đổi tiền một lần nữa, để bắt đầu xu hướng đổi mới.

Trong 46 năm qua, Việt Nam đã có bước tiến rất lớn. Trong đó, thành quả lớn nhất là chuyển đổi thành công mô hình kinh tế bao cấp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sang cơ chế thị trường.

Chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Tuy nhiên, để đạt được thành quả này, kinh tế Việt Nam đã không ít lần gặp sóng gió, thậm chí có giai đoạn rơi vào tình cảnh khủng hoảng nghiêm trọng. Trong đó, giai đoạn từ năm 1978 - 1980 được đánh giá là khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Giai đoạn này, Chính phủ bắt buộc phải tìm ra giải pháp để dung hòa kinh tế giữa 2 miền Nam - Bắc, nhất là việc cải tạo kinh tế miền Nam đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa tập thể hóa, hợp tác hóa.

Bước sang giai đoạn đổi mới 1985 - 1986, kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành quả lớn nhất trong giai đoạn này chính là việc từ một nước nghèo đói, thiếu ăn trở thành quốc gia xuất khẩu gạo. Từ đó, làm cho việc đổi mới kinh tế trở thành rõ rệt, đem lại hiệu quả cao.

Đến giai đoạn 1991 - 1997, cùng với trào lưu mở cửa thế giới, Việt Nam đã có quyết định táo bạo khi bình thường hóa với Mỹ. Sau đó từng bước gia nhập vào ASEAN.

Trong giai đoạn này, kinh tế trong nước một lần nữa phải chuyển mình, để hội nhập với thế giới. Không thể giữ tư duy tự cung, tự cấp hoặc cơ chế Nhà nước bao cấp như cũ. Phải thừa nhận rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã thích nghi rất nhanh xu hướng chuyển đổi này. Điều này đã giúp Việt Nam thoát khỏi quá trình siêu lạm phát, diễn ra vào năm 1986.

Bước sang giai đoạn 2000, kinh tế Việt Nam bắt đầu hòa nhập với thế giới, bằng cách ký kết các hiệp định thương mại. Trong đó, quan trọng nhất chính là việc Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Đến nay, Việt Nam đã ký được rất nhiều hiệp định đa phương, song phương với gần 60 quốc gia trên thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng lên nhiều lần so với năm 1986. Rõ ràng, hội nhập kinh tế đem lại đời sống tốt hơn cho người dân bằng GDP tăng trưởng rất nhanh.

Sự phát triển thần tốc của Việt Nam xuất hiện ở mọi mặt của đời sống - kinh tế - xã hội. Từ một quốc gia có mức sống thấp, chỉ 100 USD/người vào năm 1986, đến nay đã lên tới 3.000 USD/người.

Kinh tế phát triển, đồng nghĩa với việc đời sống của người dân được nâng lên. Số lượng hộ nghèo giảm từng năm, chỉ số phát triển con người HDI lại được nâng lên. Vai trò vị thế và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được nâng lên một bước rõ rệt.

+ Như ông đã chia sẻ, trong 46 năm qua, kinh tế Việt Nam phải đối mặt không ít sóng gió. Vậy theo ông, đâu là “điểm trũng” của nền kinh tế. Và Việt Nam đã làm cách nào để thoát khỏi các khó khăn bủa vây?

- Khó khăn thì nhiều, nhưng 2 giai đoạn khó khăn nhất là những năm 1976 - 1978 sau thời gian thống nhất đất nước và giai đoạn cải cách giá - lương - tiền vào năm 1980.

Cụ thể, trong giai đoạn 1976 - 1978, chúng ta áp dụng đại trà, bắt buộc mô hình hợp tác xã, kinh tế tập thể, làm cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân không tồn tại được trong nền kinh tế.

Điều này dẫn đến một số hệ lụy như việc chúng ta thực hiện tập thể hóa và quốc hữu hóa các tư liệu sản xuất cũng như máy móc thiết bị mang tính tập trung, bao cấp làm mất đi động lực phát triển, vì thế kinh tế không phát triển, tạo ra sự trì trệ.

Trong khi đó, cuộc cải cách giá - lương - tiền năm 1980 đã làm cho lạm phát tăng cao ở mức khủng khiếp. Từ đó, hủy hoại tăng trưởng sự phát triển nền kinh tế của đất nước trong nhiều năm, với những tác hại của lạm phát gần như tiêu hủy kết quả nhiều năm phấn đấu mà chúng ta đã dày công phấn đấu, xây dựng.

Về mặt tích cực, cuộc khủng hoảng kinh tế sau lạm phát 1980, đã tạo động lực cho Nhà nước chuyển đổi mô hình kinh tế và từng bước hoàn thiện nền kinh tế.

Đây chỉ là 2 trong nhiều giai đoạn khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Trong 46 năm qua, kinh tế Việt Nam còn đối mặt với khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á vào năm 1997, kéo dài tới tận năm 2001 mới hồi phục.

Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới phải gắn liền với nội lực

+Vậy theo ông, ở thời điểm hiện tại, kinh tế Việt Nam đang gặp những khó khăn gì. Đồng thời, ông có kiến nghị gì kinh tế Việt Nam tiếp đà tăng trưởng, nhất là giai đoạn dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp?

- Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động xấu tới kinh tế Việt Nam. Một số ngành như dịch vụ du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu... đang gặp khó. Nhiều doanh nghiệp đã phải giải thể.

Bên cạnh đó, một số hạn chế tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết như: Thiếu lực lượng lao động tay nghề cao. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ khoa học công nghệ thấp, máy móc thiết bị cũ kỹ lạc hậu… Từ các lý do này đã khiến năng suất lao động của Việt Nam bị thụt hậu so với thế giới.

Do đó, tôi có kiến nghị, Chính phủ nên có các giải pháp mạnh mẽ hơn, trong việc ứng dụng cách mạng 4.0 trong nền kinh tế và nâng cao tay nghề cho người lao động. Hình thành nên chuỗi sản xuất kinh doanh công nghệ hóa, đẩy mạnh năng suất sản xuất và thị trường tiêu dùng nội địa. Vừa tiết kiệm được chi phí vận hành, nhân công, vừa giảm được sức ép về mặt tiêu thụ.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần có liên kết nhằm giảm chi phí, cùng nhau bắt tay đầu tư các dây chuyền sản xuất công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng, của hoạt động xuất nhập khẩu.

+ Xu hướng chung vừa qua là dòng vốn FDI sẽ “chảy” sang các nước có giá nhân công trẻ và rẻ hơn. Hiện nay, Việt Nam đang có lợi thế, nhưng tầm nhìn 10 - 20 năm nữa, khi không còn lợi thế này, vốn FDI sẽ “chảy” sang quốc gia khác, giống như ở Trung Quốc. Để hạn chế các tác động này, ông có kiến nghị gì?

- Xu hướng này hoàn toàn đúng. Do đó, để nền kinh tế phát triển một cách bền vững và có chiều sâu thì phải dựa vào nội lực của nền kinh tế và người dân trong nước. Đây là điều mà bất kỳ quốc gia nào cũng mong muốn.

Hiện nay, Việt Nam vẫn loay hoay giữa định hướng phát triển của khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân. Có thời gian chúng ta quá coi nặng sự phát triển của kinh tế nhà nước, chưa quan tâm đúng mức đến kinh tế tư nhân.

Để phát triển kinh tế bền vững, một mặt chúng ta vừa phát triển tái cấu trúc, đổi mới cơ chế quản lý của khu vực kinh tế nhà nước và một mặt thúc đẩy phát triển của kinh tế tư nhân.

Từ đó, tạo ra những doanh nghiệp đầu đàn của kinh tế tư nhân để từ đó tạo ra được các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mang tính chất toàn diện, tạo ra sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Đảm bảo đúng định hướng mà Nhà nước mong muốn và cũng đảm bảo phát triển toàn diện nền kinh tế.

Trên cơ sở phát triển hài hòa nền kinh tế Nhà nước và nền kinh tế tư nhân thì rõ ràng chúng ta sẽ giảm thiểu vai trò của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khi đã đủ lớn, đủ mạnh thì chúng ta có thể an tâm rằng có thể cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng với các doanh nghiệp trên trường quốc tế chứ không có lý gì chúng ta lại ngại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rút ra khỏi Việt Nam.

Vấn đề quan trọng để làm được điều này là chúng ta phải tự lớn lên, tự xây dựng các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mang tính toàn diện đó là điều quan trọng.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Việt Vũ (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-te-viet-nam-sau-46-nam-thong-nhat-dat-nuoc-phuong-hoang-hoi-sinh-tu-dong-tro-tan-post128565.html