Kinh tế Việt Nam thể hiện sức chống chịu tốt nhưng còn nhiều thách thức

Hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ rót vào vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi.

Hôm nay (26-8), Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức họp báo công bố báo cáo "Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn". Theo WB, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong hai năm 2025, 2026.

Kinh tế Việt Nam thể hiện sức chống chịu tốt

Những con số tăng trưởng này cao hơn so với mức 5% năm 2023 cho thấy sức chống chịu tốt của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, dù vậy kinh tế Việt Nam vẫn còn đương đầu nhiều thách thức.

Ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam nói: “Kinh tế Việt Nam trong quỹ đạo tăng trưởng nhanh so với khu vực bởi đã tranh thủ được lực cầu từ bên ngoài và gia tăng đầu tư trong nước”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Coppola, vẫn có lý do để lo lắng khi mà tiêu dùng tư nhân, đầu tư ở mức trước đại dịch, niềm tin người tiêu dùng thấp ảnh hưởng đến tiêu dùng hàng lâu bền. Trong mảng đầu tư, tăng trưởng đầu tư chủ yếu do phía nước ngoài.

 Năm 2024, kinh tế Việt Nam phục hồi tốt, đặc biệt các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, hàng chế biến chế tạo và dịch vụ- Ảnh: Quang Huy

Năm 2024, kinh tế Việt Nam phục hồi tốt, đặc biệt các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, hàng chế biến chế tạo và dịch vụ- Ảnh: Quang Huy

 Kinh tế Việt Nam tăng tốc trong nửa đầu năm 2024 - Nguồn: WB

Kinh tế Việt Nam tăng tốc trong nửa đầu năm 2024 - Nguồn: WB

Nói về con số tăng trưởng GDP 6,1%, chuyên gia kinh tế trưởng WB cho rằng dù con số này thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra, nó vẫn giúp Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh so với khu vực. Triển vọng này được dự báo tích cực hơn vào năm 2025.

Kinh tế nội địa: Còn nhiều nỗi lo về tiêu dùng yếu

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng tốc trong thời gian đầu năm. Năm 2024, kinh tế Việt Nam phục hồi tốt, đặc biệt các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, hàng chế biến chế tạo và dịch vụ.

Điểm sáng cần chú ý chính là sự phục hồi của xuất khẩu ghi nhận tỷ trọng đóng góp lớn hơn của chế biến chế tạo cho tăng trưởng.

Tại nội địa, các lĩnh vực trong nước, cả tiêu dùng và đầu tư có hồi phục nhưng chưa quay lại ngưỡng COVID-19. Ngành dịch vụ đóng góp mạnh cho tăng trưởng. Kết quả về tăng trưởng thương mại hàng hóa tăng trưởng khoảng 17% từ xuất phát điểm thấp của năm ngoái.

Ngành dịch vụ ăn uống phục hồi mạnh, trong tháng 6-2024 có khoảng 8 triệu du khách đến Việt Nam, con số cao kỷ lục – đây là một điểm sáng quan trọng trong bức tranh nhiều sắc màu của nền kinh tế hiện nay.

 Tăng trưởng tiêu dùng thấp hơn trước COVID-19 và chỉ tập trung vào nhóm hàng thiết yếu - Nguồn: WB

Tăng trưởng tiêu dùng thấp hơn trước COVID-19 và chỉ tập trung vào nhóm hàng thiết yếu - Nguồn: WB

Tăng trưởng tiêu dùng tiếp diễn nhưng chưa phục hồi hoàn toàn. Có những khảo sát cho thấy người tiêu dùng chủ yếu mua hàng thiết yếu hơn như lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, họ ngại ngần hơn khi đầu tư vào các khoản mua sắm lớn như sửa sang nhà cửa, mua xe máy ô tô.

Theo con số mà bà Madani có được, tăng trưởng thu nhập thực từ năm 2022 đến nay khoảng 2,2%, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng trên 8% trước COVID-19, những yếu tố này tác động đến tiêu dùng.

Đầu tư tư nhân trong nước chiếm 64% tổng đầu tư, dù cải thiện nhưng chưa trở lại ngưỡng trước COVID-19, một trong những lý do quan trọng là thị trường bất động sản chưa phục hồi. Những nhà sản xuất trong nước dè dặt hơn trong đầu tư, lực cầu thị trường nội địa mạnh vì vậy họ ngại ngần đầu tư.

 Trong các ngành hàng, duy nhất chi tiêu vào giáo dục tăng trưởng đến 15% - Nguồn: WB

Trong các ngành hàng, duy nhất chi tiêu vào giáo dục tăng trưởng đến 15% - Nguồn: WB

 Tăng trưởng tiêu dùng thấp hơn trước COVID-19 và chỉ tập trung vào nhóm hàng thiết yếu - Ảnh: Quang Huy

Tăng trưởng tiêu dùng thấp hơn trước COVID-19 và chỉ tập trung vào nhóm hàng thiết yếu - Ảnh: Quang Huy

Rủi ro kinh tế Việt Nam đối mặt thời gian tới

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng gấp 2,5 lần trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, do các ngân hàng tận dụng môi trường lãi suất thấp để đảo nợ trái phiếu.

Tuy nhiên, lượng trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2024 ước lên đến 139,8 ngàn tỷ VND, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm 42%, tạo áp lực cho lĩnh vực bất động sản trong điều kiện khó khăn về dòng tiền, chuyên gia kinh tế trưởng WB cảnh báo.

Hơn nữa, chuyên gia kinh tế cấp cao WB, bà Dorsati Madani, cảnh báo tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động bởi tình hình trên thế giới. Sau đà phục hồi mạnh nửa đầu năm 2024, tăng trưởng thương mại có thể sẽ chậm lại. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế này Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng thương mại nhưng sẽ chậm hơn.

Tăng trưởng trên toàn cầu sẽ chững lại, cả phía Mỹ và Trung Quốc đều sẽ giảm tốc, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến khoảng 6,1% có thể sẽ lên 6,5% trong 1 đến 2 năm tới với ảnh hưởng trái chiều từ Mỹ và Trung Quốc.

"Cuối năm nay, đầu năm sau thị trường bất động sản sẽ có bước ngoặt và có sự cải thiện nhưng nếu sự phục hồi này diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng, tăng trưởng kinh tế sẽ ảnh hưởng. Chất lượng tài sản của ngành tài chính tiếp tục suy giảm. Các ngân hàng khó khăn hơn trong cung cấp nguồn vốn nếu họ phải xử lý nợ xấu ở ngưỡng cao hơn", bà Dorsati Madani, dự báo.

Các chuyên gia kinh tế trưởng WB cho rằng tuy triển vọng khả quan nhưng để duy trì tăng trưởng cao trong trung hạn, cần phải gia tăng đầu tư công, đặc biệt với ngành giao thông và năng lượng; tăng cường sự ổn định của thị trường tài chính và tăng trưởng thị trường vốn để huy động vốn cho dài hạn của Việt Nam.

Đặc biệt Việt Nam cần phát triển hơn nữa đầu tư tư nhân bằng cách đẩy nhanh các biện pháp cải cách quy định pháp luật, quy trình thủ tục để đẩy nhanh quá trình dịch chuyển thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi. Thậm chí hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ rót vào vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó phát triển các thị trường vốn sẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045; các chính sách cần nâng cao minh bạch thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, giúp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong khu vực tài chính cũng là yếu tố quan trọng góp phần đạt được những mục tiêu phát triển

Tăng trưởng tín dụng được cải thiện từ sau giai đoạn tăng rất chậm hồi đầu năm 2024. Tính đến cuối tháng 6-2024, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ vào các hoạt động xuất khẩu, sản xuất công nghiệp chế tạo chế biến, bất động sản, thương mại, vận tải, và viễn thông được cải thiện.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất về cho vay tiêu dùng lại cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vẫn yếu, khi các khoản vay mua nhà và xe hơi giảm trong quý I-2024 so với cuối năm 2023. Tổng tín dụng cho vay tiêu dùng chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước trong quý I-2024, so với tăng trưởng nhẹ của năm 2023 và thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,1% trong 5 năm trước đây.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te-viet-nam-the-hien-suc-chong-chiu-tot-nhung-con-nhieu-thach-thuc-post806979.html