Kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh sự 'hấp dẫn' với nhà đầu tư nước ngoài

Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng khá, tổng vốn đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD… Số vốn FDI giải ngân đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm gần đây.

Báo cáo Công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh sự “hấp dẫn” với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, thu hút FDI tăng khá, với tổng vốn đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn đăng ký mới tăng 46,9%.

Số vốn FDI giải ngân đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm gần đây, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

 Giải ngân vốn FDI đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm gần đây.

Giải ngân vốn FDI đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm gần đây.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp, buổi làm việc với các hiệp hội, các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách hỗ trợ.

Mặc dù có gặp nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 80.482 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, xác định giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng, là động lực chính trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều Công điện nhằm đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Đồng thời, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập 03 Tổ công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường ven biển, dự án kết nối, có tác động liên vùng tại các địa phương.

Cùng với đó, để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tiếp tục đổi mới, cải cách lĩnh vực đầu tư công, Bộ cũng đang nghiên cứu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Đầu tư công.

Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, nắm bắt được những tiềm năng và lợi thế trong ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cấp có thẩm quyền từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút các nguồn lực hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế và kết nối, hợp tác với các đối tác chiến lược.

Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Cùng với đó, để thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp làm việc với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, nâng cao năng lực về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển trong dài hạn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đã vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ (6,42%). Nếu tiếp tục duy trì đà phục hồi trong các quý cuối năm 2024, tăng trưởng GDP cả năm có thể hoàn thành mục tiêu từ 6-6,5%.

"6 tháng đầu năm khó khăn nhưng kinh tế trong nước phục hồi ấn tượng. Chúng ta đặt ra mục tiêu thấp nhưng kết quả cao hơn cả dự báo tổ chức quốc tế. Đây là kết quả đáng khích lệ, đồng đều tất cả các địa phương, ngành…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn chí Dũng cho hay.

6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, đã làm tốt thì cần làm tốt hơn nữa, đã hiệu quả thì hiệu quả hơn nữa, sáng tạo hơn nữa công tác tham mưu, phải bám sát tình hình, chủ động kiến tạo và khai thác những thời cơ, cơ hội mới cho phát triển đất nước”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các đơn vị chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng các kế hoạch, phương hướng, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, các ngành, lĩnh vực năm 2025. Trong năm 2025 phải xây dựng, kiến tạo các thành tựu mới, đột phá mới trong tăng trưởng và phát triển.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/kinh-te-viet-nam-tiep-tuc-chung-minh-su-hap-dan-voi-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-90386.html