Kinh tế Việt Nam từ góc nhìn quốc tế đến phân tích của chuyên gia trong nước
Bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có những diễn biến khó lường, tăng trưởng của nhiều nền kinh tế được điều chỉnh giảm so với dự báo trước đó, riêng Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế nhận định với nhiều tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn, thách thức vẫn tồn tại song song những thuận lợi, trong tiến trình phục hồi, phát triển sau đại dịch... là thực tế, cần được nhận diện.
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 giảm đáng kể, từ mức 4,1% được công bố hồi đầu năm xuống còn 2,8% trong dự báo cuối tháng 8. Fitch Ratings đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP thế giới cả năm nay xuống chỉ còn 2,4%, tức là giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 6.
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định con số này là 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm % so với thông tin dự báo trước, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế giữ nguyên mức dự báo là 3%.
Ngân hàng Phát triển châu Á điều chỉnh giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn so với sự báo hồi tháng 4, ví dụ điều chỉnh dự báo GDP Hoa Kỳ giảm từ 3,9% xuống chỉ còn 1,6%; khu vực đồng Euro từ 3,3% xuống 2,5%, Nhật Bản từ 2,7% xuống 1,4%, Trung Quốc chỉ đạt 3,3% thay vì 5%. Ở khu vực Đông Nam Á, Indonsia đạt mức tăng GDP 5,4% (tăng 0,4 điểm %), Philippin đạt 6,5% (tăng 0,5 điểm %), Thái Lan đạt 2,9% (giảm 0,1 điểm %), Singapore đạt 3,7% (giảm 0,6 điểm %). Có 2 quốc gia được ADB giữ nguyên mức dự báo tốc độ tăng GDP là Malaysia với 6%, Việt Nam 6,5%.
Đáng chú ý, Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế khẳng định GDP Việt Nam sẽ đạt 7,5% và 7%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là những con số rất ấn tượng và tích cực – góp phần khẳng định nỗ lực của toàn hệ thống chính trị suốt thời gian dài chịu những tác động từ đại dịch, nhưng cần nhìn nhận sâu xa hơn khi vấn đề tăng trưởng của 1 quốc gia không chỉ là tăng trưởng về số lượng.
“Không chỉ là tăng trưởng ở con số, chất lượng tăng trưởng cần quan tâm. Con số mang tính định lượng, chúng ta cần quan tâm cả tăng trưởng định tính để bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người dân và đồng thời tăng cường sức khỏe của doanh nghiệp. Vấn đề an sinh xã hội còn gặp nhiều khó khăn và mỗi tháng còn nhiều doanh nghiệp phá sản. Cho nên, cần bảo đảm công ăn việc làm cho người dân tăng, đời sống an sinh xã hội, y tế tăng, quan tâm giúp các doanh nghiệp” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.
Đó là một quan điểm thẳng thắn – trực diện, nếu soi chiếu vào những số liệu thống kê kinh tế mới vừa được Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng qua tăng 8,83% - là mức tăng cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2011-2022; CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%; cả nước có hơn 163.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn có gần 113 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 đạt gần 19 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 15,5 tỷ USD - là mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt gần 283 tỷ USD, tăng 17,3%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD…
Tuy nhiên, xung đột chính trị Nga và Ukraine; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn. Dịch Covid-19 gia tăng toàn cầu với nhiều biến thể mới, cùng diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan… tiếp tục là những rủi ro tiềm ẩn, thách thức tiến trình phục hồi, phát triển.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục thống kê đánh giá: “Giá nguyên nhiên vật liệu vẫn đang ở mức cao trong khi chúng ta phải nhập khẩu phần lớn, sẽ tác động vào chi phí phí sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó đẩy giá thành sản phẩm lên cao và nó tạo nên tạo áp lực lạm phát của nền kinh tế. Giá USD cũng đang tăng và nó sẽ càng làm tăng thêm cái chi phí mà chúng ta nhập khẩu. Giá xăng dầu vẫn là diễn biến phức tạp.
Trên thế giới đang có xu hướng giảm, tuy nhiên rủi ro giá tăng trở lại vẫn hiện hữu, bởi vì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine chưa biết lúc nào chấm dứt và sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng có thể kéo theo nhu cầu về năng lượng. Cho nên vấn đề năng lượng cũng là một vấn đề khá lớn và nó sẽ có tác động tới lạm phát của cuối năm nay”./.