Kinh tế Việt Nam vẫn giữ viễn cảnh tích cực trong giai đoạn trước mắt và trung hạn
Ngày 30-7, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo điểm lại tháng 7-2020 với tiêu đề 'Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19'.
Quyền Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Stefanie Stallmeister (thứ hai từ phải sang) tại buổi công bố báo cáo.
Báo cáo nhận định, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.
Thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia - sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước - khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài.
Báo cáo khuyến nghị ba biện pháp bổ trợ mà Chính phủ có thể xem xét sớm thực hiện nhằm tránh “bẫy kinh tế” Covid-19 và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm trước đó.
Biện pháp thứ nhất là cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.
Biện pháp thứ hai là đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả biện pháp này, cần đảm bảo nguồn lực được điều chuyển đến những dự án đem lại tác động tích cực lớn nhất cho cả nền kinh tế và việc làm, đồng thời giảm thiểu được tổn thất tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai.
Biện pháp thứ ba là hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến, chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.
Báo cáo cũng gợi ý, Việt Nam có thể tận dụng được một số xu hướng toàn cầu đang được đẩy nhanh bởi dịch Covid-19 nhằm thúc đẩy nghị trình trong nước, trong đó có đẩy mạnh nỗ lực xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đang có kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo, dịch Covid-19 đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế "không tiếp xúc” thông qua đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa, qua đó giúp đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh về dịch vụ có chất lượng.