Kinh tế - xã hội Hà Nội khởi sắc trong 4 tháng đầu năm 2025

Trong 4 tháng đầu năm 2025, một số chỉ tiêu chủ yếu của TP. Hà Nội có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2024 trở thành những điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo lực đẩy cho tăng trưởng những tháng tiếp theo

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tê - xã hội của Thành phố Hà Nội

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tê - xã hội của Thành phố Hà Nội

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 4,8%

Tiếp đà phục hồi tích cực hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024, Chi cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, IIP tháng 4 ước tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số IIP tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 5%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 3,8%...

Trong 4 tháng đầu năm một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao so với cùng kỳ như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 17,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,3%; dệt tăng 15,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,8%; sản xuất kim loại tăng 8,5%; sản xuất máy móc, thiết bị khác tăng 34,1%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 4,3%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 4%; in, sao chụp bản ghi giảm 1,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 0,4%.

Sản xuất công nghiệp tăng, thu hút lực lượng lao động đã đẩy chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp đến cuối tháng 4/2025 ước tăng 0,4% so với cuối tháng trước, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%.

Nếu chia theo ngành kinh tế thì lực lượng lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo tăng 0,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tương đương cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%; riêng ngành khai khoáng giảm 30,9%.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN), nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đặc biệt là các công trình trọng điểm.

Để tạo thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, UBND TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, biến động giá, tài nguyên các mỏ vật liệu xây dựng, tái định cư.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện được 19,9 nghìn tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm và tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó vốn NSNN cấp Thành phố là 8,3 nghìn tỷ đồng, đạt 16,6% và tăng 49,4%; vốn NSNN cấp huyện là 10,8 nghìn tỷ đồng, đạt 21,2% và tăng 37,5%; vốn NSNN cấp xã là 829 tỷ đồng, đạt 21,2% và tăng 36,1%. Nhiều dự án trọng điểm đang được Thành phố quan tâm, triển khai thực hiện như:

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có tổng chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 75 nghìn tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3 km. Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình có chiều dài 6,7 km. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân 26,9% kế hoạch vốn.

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 (So với cùng kỳ năm trước)

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 (So với cùng kỳ năm trước)

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 13,4%

công tác bình ổn giá được TP.Hà Nội thực hiện tốt. Với việc tổ chức Hội chợ thương mại, Hà Nội đã tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trong dịp nghỉ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam và 139 năm Ngày Quốc tế Lao động. Các Hội chợ thương mại thu hút đông đảo người dân Hà Nội và khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm quan.

Tháng 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 76,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024 , trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 49 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% và tăng 13,9%.

Ước tính 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 303,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 194,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng mức và tăng 13%; doanh thu lưu trú, ăn uống đạt 40,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,2% và tăng 17,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,4% và tăng 22,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 58,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,3% và tăng 10,7%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng

Tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP.Hà Nội ước tính đạt 1.790 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 6,4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,9 tỷ USD, tăng 21,8%.

Con số thống kê, so sánh kim ngạch xuất khẩu cho thấy rõ "sức bật" một số nhóm hàng. Cụ thể như: Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 863 triệu USD, tăng 38,7%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 851 triệu USD, tăng 17,5%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 841 triệu USD, tăng 7,7%; hàng dệt may đạt 710 triệu USD, tăng 14,5%; hàng nông sản đạt 550 triệu USD, tăng 9,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 300 triệu USD, tăng 16,3%; hàng hóa khác đạt 1.715 triệu USD, tăng 23,4%.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 đạt 3.966 triệu USD, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 14,4 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đạt 2,5 tỷ USD, tăng 22,6%.

Trong đó, một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 2.817 triệu USD, tăng 43,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1.082 triệu USD, tăng 72,3%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 953 triệu USD, tăng 25,4%; sắt thép đạt 766 triệu USD, tăng 15,7%; kim loại khác đạt 626 triệu USD, tăng 64,9%; chất dẻo đạt 502 triệu USD, tăng 28,5%; vải đạt 332 triệu USD, tăng 9,3%; hàng điện gia dụng và linh kiện đạt 312 triệu USD, tăng 19%; sản phẩm hóa chất đạt 285 triệu USD, tăng 15,2%; hàng hóa khác đạt 4.737 triệu USD, tăng 9,3%.

Qua thống kê, đánh giá cho thấy một số chỉ tiêu chủ yếu có "sức bật" trong 4 tháng đầu năm. Đây là tiền đề tốt, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội cho TP.Hà Nội trong những tháng tiếp theo.

Trang Nguyễn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-xa-hoi-ha-noi-khoi-sac-trong-4-thang-dau-nam-2025.html