Kinh tế - xã hội Lâm Hà năm 2019: Giữa những 'gam màu'
Nhìn lại năm 2019 với nhiều nỗ lực, huyện Lâm Hà đã đạt nhiều kết quả về kinh tế, xã hội đáng để phấn khởi. Song bên cạnh đó vẫn còn những chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra.

Nhiều gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của huyện Lâm Hà năm 2019. Ảnh: H.My
Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Lâm Hà, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) năm 2019 ước đạt 5.945 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch (KH), tăng 8,4% so cùng kỳ. Nhiều “gam màu sáng” đã xuất hiện trong bức tranh kinh tế chung của Lâm Hà và chỉ riêng tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt 5.407 tỷ đồng, bằng 101,4% KH, tăng 5,1% so với cùng kỳ.
Đối với ngành sản xuất nông nghiệp - ngành chủ lực ở Lâm Hà, địa phương tập trung triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” mà trọng tâm là kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao, giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Qua đó, các số liệu ngành nông nghiệp cho thấy đều vượt so với kế hoạch đó là: Diện tích tái canh cà phê ước đạt 580 ha, đạt 116%; ghép cải tạo đạt 600 ha, đạt 120%; trồng mới cây dâu tằm đạt 400 ha, đạt 151% so với KH... Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chất lượng cao trên toàn huyện đạt trên 11 ngàn ha, chiếm 23,5% diện tích đất canh tác, tăng 300 ha so với cuối năm 2018.
Cùng với nông nghiệp, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 892 tỷ đồng, tăng 14,2%; khu vực thương mại, dịch vụ đạt trên 2 ngàn tỷ đồng, tăng 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 30/11/2019 được trên 201 tỷ đồng, đạt 119,6% KH so với dự toán năm và đạt 86,3% so với dự toán điều chỉnh, bổ sung. Trong đó, thuế và phí huyện quản lý thu được trên 99 tỷ đồng, đạt 104,97% KH; thu từ đất, nhà trên 49 tỷ đồng, đạt 103,4% KH so với dự toán đầu năm và đạt 44% so với dự toán điều chỉnh, bổ sung; thu từ biện pháp tài chính trên 36 tỷ đồng, đạt 363,4% KH. Ước cả năm thu ngân sách nhà nước đạt trên 272 tỷ đồng, đạt 161,9% KH so với dự toán đầu năm và đạt 117% so với dự toán điều chỉnh, bổ sung.
Sự nỗ lực của Nhân dân và cả hệ thống chính trị cũng đã góp phần vào các chỉ tiêu xã hội đạt được những kết quả đáng khích lệ, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó phải kể đến tỷ lệ hộ nghèo chung giảm còn 2,28%, số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn 5,85%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%...
Song song đó, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng được địa phương này triển khai đồng bộ. Việc Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia đã mang lại nhiều kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc, đường giao thông nông thôn thuận tiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Đến nay, trên toàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng xã Gia Lâm cơ bản đạt các nhóm tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao và xã Đông Thanh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, các vấn đề trong lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có những chuyển biến nhất định, chất lượng giáo dục được nâng lên, quy mô trường lớp được phát triển theo quy hoạch…
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện ước đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 7,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/người/năm, tăng 8%.
Việc tổ chức giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng ISO đã tạo ra những đổi mới tích cực, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, doanh nghiệp với việc huyện chuyển bộ phận một cửa sang Bưu điện, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, vẫn còn những “gam màu xám” trong bức tranh kinh tế - xã hội chung của địa phương. Cụ thể, ngoài những vấn đề như việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, tiêu thụ nông sản còn hạn chế; công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường còn nhiều bất cập; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra thì công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng còn để xảy ra tình trạng xây dựng công trình không phép, trái phép. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai một số công trình xây dựng cơ bản khởi công mới năm 2019 từ các nguồn vốn còn chậm, tỷ lệ giải ngân thanh toán đạt thấp… Đặc biệt, phải kể đến tỷ lệ che phủ rừng của Lâm Hà chỉ đạt 24,6%, trong khi kế hoạch huyện đặt ra 28,5%.
Ngoài việc xác định những nguyên nhân khách quan của các hạn chế, tồn tại, huyện Lâm Hà nhận định rõ nguyên nhân chủ quan xuất phát từ năng lực điều hành của một số ngành, địa phương còn yếu. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể và địa phương chưa thực sự đồng bộ. Một số cán bộ chưa thực hiện hết trách nhiệm, nhiệm vụ được giao...