Kinh tế - xã hội năm 2024 có nhiều điểm sáng

Sáng 10/12, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Văn Tuấn điều hành kỳ họp. Tham dự kỳ họp có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương. Kỳ họp diễn ra từ 10-11/12.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc kỳ họp

Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc kỳ họp

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho biết, kỳ họp lần này diễn ra sau khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 thành công tốt đẹp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trong thời kỳ mới. Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 175 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tỉ lệ tán thành rất cao, đây là sự kiện quan trọng mang lại niềm vui, đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2025; các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo quy định của pháp luật.

Thường trực HĐND tỉnh cũng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; trình HĐND tỉnh quyết định thành lập Đoàn giám sát của HĐND tỉnh theo chương trình giám sát năm 2025; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đối với những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm.

"Nhằm kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, kỳ họp sẽ xem xét, thảo luận và dự kiến thông qua 30 dự thảo nghị quyết thuộc các nhóm vấn đề về đất đai, tài chính, ngân sách, kế hoạch đầu tư công 2025 và các vấn đề liên quan đến biên chế, số lượng người trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập...”, ông Lê Trường Lưu thông tin.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024

13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra

Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.840 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 12.880 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33,1%.

 Các đại biểu tham dự kỳ họp

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Đi sâu vào tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,9%. Nhiều loại hình du lịch được đưa vào khai thác, nâng chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản. Tổng lượt khách du lịch ước đạt trên 4 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 1,3 triệu lượt; tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 8.500 tỷ đồng. Festival Huế tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu của thành phố lễ hội. Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và thúc đẩy thương mại phát triển.

Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 10,4% nhờ sản lượng một số sản phẩm chủ lực (bia, sợi các loại, quần áo) tăng và một số dự án tạo năng lực sản xuất mới đi vào hoạt động.

Nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng 3,4%. Sản lượng lương thực có hạt đạt 350 nghìn tấn; năng suất lúa đạt trên 64 tạ/ha. Trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tiếp tục phát triển. Trồng rừng gỗ lớn được chú trọng; tỷ lệ che phủ rừng duy trì trên 57%. Có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng số xã toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới lên 80/94, đạt tỷ lệ 85,1%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34.100 tỷ đồng, tăng 16,9%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 96% kế hoạch, xếp trong nhóm cao cả nước. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung vào các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, dự án đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2,...

Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Đã cấp phép đầu tư cho trên 39 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 6.266 tỷ đồng. Có khoảng 800 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 5.000 tỷ đồng. Công tác rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý vướng mắc các dự án đầu tư tiếp tục được quan tâm.

Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Tập trung hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các quy hoạch phân khu.

Các lĩnh vực kháccũng tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển.

Ngành dệt may có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2024

Ngành dệt may có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2024

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng chỉ rõ những khó khăn, tồn tại hiện nay. Điển hình như, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn đang gặp khó khăn. Hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã chưa thật sự phổ biến, giá trị liên kết còn thấp; sản phẩm OCOP có sự phát triển về số lượng nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Chất lượng, sản phẩm du lịch chưa cao; thiếu các dịch vụ cao cấp, các khu vui chơi, giải trí, cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 4 - 5 sao; nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; thị trường bất động sản vẫn còn gặp khó khăn, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đáp ứng kỳ vọng; nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt theo kế hoạch. Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục là “điểm nghẽn” làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, khởi công nhưng tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch…

Tại phiên làm việc sáng nay, HĐND tỉnh nghe thông báo về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân và hoạt động tham gia xây dựng chính quyền, kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đối với HĐND, UBND tỉnh năm 2024; báo cáo công tác xét xử năm 2024, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; báo cáo công tác kiểm sát của Viện kiểm sát NNhân dân năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025; báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực kinh tế - ngân sách năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên lĩnh vực pháp chế năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025; báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực Văn hóa - Xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; xem xét, các báo cáo, tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh.

Đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu

Đồ họa: Nguyễn Quân

Đồ họa: Nguyễn Quân

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 – 2025.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị xuất khẩu lớn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh…

Với các chỉ tiêu chủ yếu dự kiến của năm 2025, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 8,5 - 9%. GRDP bình quân đầu người từ 3.200 - 3.500 USD. Về cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 48 - 49%, công nghiệp và xây dựng 32 - 33%, nông nghiệp 9 - 10% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9%...

Ông Nguyễn Văn Phương cũng thông tin về dự kiến 6 chương trình trọng điểm. Cùng với đó là các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2025.

Năm 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, văn minh, thân thiện”; quảng bá hình ảnh và khẳng định thương hiệu Huế - Kinh đô xưa trải nghiệm mới; Huế - điểm đến của 8 di sản thế giới, Huế - Kinh đô của lễ hội, Huế - Kinh đô ẩm thực và Huế - Kinh đô áo dài.

Cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao. Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản. Phát triển các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; nông nghiệp công nghệ cao, tạo thêm nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu từ 3 sao trở lên.

Thu hút 30 - 35 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng, trong đó địa bàn KKT, KCN thu hút 15-18 dự án với vốn đầu tư đăng ký khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt khoảng 800 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt 9.500 tỷ đồng; 10-15 hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới.

Duy trì và nâng cao vị thứ xếp hạng PCI nằm trong TOP 10 và thuộc vào “nhóm tốt” của cả nước.

Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại…

Infographic: Nguyễn Quân

Infographic: Nguyễn Quân

Công tác giải quyết kiến nghị cử tri đã bám sát mục tiêu

Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cũng thông tin về công tác giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 8. Các kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp nước, hệ thống điện và các công trình khác; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; về công tác quy hoạch, đền bù, quản lý đất đai và môi trường; về pháp chế, văn hóa, y tế, chế độ, chính sách.

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri tại Kỳ họp lần thứ 8, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Văn Tuấn đánh giá, công tác giải quyết kiến nghị cử tri đã luôn bám sát mục tiêu huy động tối đa các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế; chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Để giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các Tổ đại biểu HĐND tỉnh nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý ý kiến cử tri; đảm bảo đúng thẩm quyền xử lý của các cơ quan cấp tỉnh; gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành giải quyết có hiệu quả các ý kiến, kiến nghị đã có kế hoạch, lộ trình, thời gian giải quyết, phấn đấu hoàn thành, đảm bảo giữ đúng lời hứa với cử tri.

LÊ THỌ - VÕ NHÂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/kinh-te-xa-hoi-nam-2024-co-nhieu-diem-sang-148840.html