Kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2025 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ

Nền kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2025 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực, phản ánh niềm tin vào sự phát triển bền vững. Chính phủ tập trung kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu và đầu tư. Đồng thời, các giải pháp an sinh xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển động lực tăng trưởng mới đang được đẩy mạnh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

Ngày 5/2, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2025. Theo đó, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, nhiều chỉ số quan trọng tăng trưởng tích cực, phản ánh niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, yêu cầu đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung vào 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, yêu cầu đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung vào 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu

Người dân cả nước đón Tết Nguyên đán trong không khí thanh bình, an toàn, tiết kiệm. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,63% so với cùng kỳ, trong khi cung cầu hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến hay tình trạng lợi dụng khan hiếm để trục lợi.

Hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch trong dịp Tết. Thu ngân sách nhà nước đạt 14% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể với tổng kim ngạch đạt 63,07 tỷ USD, xuất siêu 1,23 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6%, trong khi vốn thực hiện đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 2%.

Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh cũng ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Nông nghiệp tăng trưởng ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 tăng 0,6% so với cùng kỳ, dù số ngày làm việc trong tháng ít hơn năm trước. Khu vực dịch vụ tiếp tục khởi sắc, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Chính phủ cũng tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như chăm lo Tết cho người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý các tồn đọng và thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm. Trong lĩnh vực an ninh - trật tự, tình hình tiếp tục được giữ vững, an toàn giao thông trong dịp Tết được bảo đảm với số vụ tai nạn, số người tử vong và bị thương giảm từ 38 - 40% so với cùng kỳ năm trước. Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, Bộ KH-ĐT cũng nhận định nền kinh tế vẫn đối diện với không ít thách thức, đặc biệt là yêu cầu tăng trưởng cao trong năm 2025 và những biến động từ kinh tế toàn cầu. Khối lượng công việc trong quý I và cả năm rất lớn, đòi hỏi các cấp, ngành và địa phương phải chủ động, sáng tạo, quyết tâm triển khai ngay từ đầu năm.

Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, Bộ KH-ĐT đã đề xuất một loạt giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, đồng thời khẩn trương tổ chức thực hiện ngay sau khi các văn bản này được ban hành. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải được thực hiện nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng

Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung vào 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Việc hoàn thiện thể chế pháp luật tiếp tục được coi là "đột phá của đột phá", tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Ngoài việc củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống, Bộ KH-ĐT cũng đề xuất thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất tiên tiến, phát triển mạnh liên kết vùng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng. Việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế và theo dõi sát diễn biến thị trường để có các biện pháp ứng phó kịp thời cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Chính phủ sẽ tiếp tục chú trọng công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường. Một trong những ưu tiên hàng đầu là triển khai mạnh mẽ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, hỗ trợ nhà ở cho người có công và tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai, bão lũ nhằm bảo đảm đời sống người dân ổn định.

Bên cạnh các giải pháp về kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng sẽ được xem xét để khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo trong quản lý và điều hành.

Với sự quyết liệt ngay từ đầu năm, Chính phủ kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tiền đề để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2025, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

T.Ng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/kinh-te-xa-hoi-thang-dau-nam-2025-tiep-tuc-phuc-hoi-manh-me-315908.html