Kinh tế xanh và bảo vệ môi trường từ góc nhìn doanh nghiệp

Nhiều khái niệm về phát triển bền vững như 'kinh tế tích cực', 'kinh tế tuần hoàn', và các giải pháp của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường được thảo luận trong cuộc tọa đàm 'Doanh nghiệp và phát triển bền vững' diễn ra tại TP.HCM, chiều 11/7.

Buổi tọa đàm có đại diện đa ngành: công nghiệp nặng, du lịch, tái chế, tài chính và các tổ chức bảo vệ tự nhiên như IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế), PRO Việt Nam, Việt Phát triển Kinh tế tuần hòa.

Bà Bùi Thị Thu Hiền đến từ IUCN đã chia sẻ khái niệm “kinh tế tích cực”, nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp và cá nhân mỗi người trong việc làm hòa với thiên nhiên trong chính sách và hành động. Theo bà Hiền, cứ 1 đồng đầu tư vào bảo tồn và phục hồi thiên nhiên sẽ thu được ít nhất 9 đồng lợi ích. Cơ hội kinh doanh bằng cách sử dụng thiên nhiên làm cơ sở có thể đạt 160 tỷ USD và tạo ra 4 triệu việc làm vào năm 2030.

Số liệu của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) từ năm 2020 cũng chỉ rõ, các dịch vụ hệ sinh thái có giá trị ước tính 125 – 140 nghìn tỷ USD mỗi năm (gấp 1,5 lần quy mô GDP toàn cầu. Đây là xu thế toàn cầu mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Nhưng, bà Hiền khẳng định, xây dựng nền kinh tế tích cực đồng nghĩa doanh nghiệp phải tập trung hành động vì thiên nhiên.

Hành động vì thiên nhiên từ những việc nhỏ nhất được ban lãnh đạo Khu nghỉ dưỡng Six Sences Côn Đảo đặc biệt coi trọng trong nhiều năm gần đây. Bà Nguyễn Minh Tâm – CEO khu nghỉ dưỡng cho biết, họ đã thu được nhiều “trái ngọt” nhờ các hành động thực tiễn từ chính sách phát triển bền vững của mình.

Ở Six Sences Côn Đảo, ngoài các thiết kế hòa quyện và tôn trọng đặc tính tự nhiên của vùng đất, thổ nhưỡng, mô hình kinh doanh của đơn vị này cũng được phát triển từ nguyên tắc bảo vệ di sản tự nhiên. Quá trình vận hành khu nghỉ chú trọng hạn chế tối đa việc sử dụng điều hòa, vật liệu nhựa góp phần giảm xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, câu chuyện bảo vệ sinh thái cho rùa biển sinh sản trong mùa đẻ trứng đã biến Six Sences Côn Đảo trở thành điểm đến thăm rùa đẻ thú vị nhất Việt Nam. Cũng tại đây, khu nghỉ tổ chức nhiều hoạt động truyền cảm hứng cho du khách nhỏ tuổi về tình yêu và trách nhiệm với thiên nhiên.

Đại diện đến từ Duy Tân Recycling – ông Lê Anh cho rằng, doanh nghiệp đã thu được nhiều lợi ích tài chính từ công việc thu gom, tái chế nhựa. Từ con số 10 triệu chai nhựa được thu gom mỗi ngày, giúp Duy Tân có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới thông qua hoạt động xuất khẩu hạt nhựa tái chế.

Tọa đàm có sự góp mặt của nhiều đại diện doanh nghiệp

Tọa đàm có sự góp mặt của nhiều đại diện doanh nghiệp

Đại diện BlueScope Việt Nam (doanh nghiệp sản xuất thép mạ) – ông Trương Anh Hải cho rằng, việc tạo dựng các hoạt động phát triển xanh, giảm khí thải quan trọng nhất phải bắt nguồn từ đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó mới có các hoạt động thực tiễn mang lại thay đổi rõ nét. Theo ông Hải, điều ý nghĩa là, sau khi thực hiện các hoạt động giảm thải, người được thụ hưởng và cảm thấy hạnh phúc nhất chính là cán bộ nhân viên – những người đang làm việc trực tiếp tại công xưởng và nhà máy.

Theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong Top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa. Việt Nam đang là quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu ở nhiều mặt: giảm đa dạng sinh học rừng (rừng nguyên sinh chỉ còn 8% so với 50% ở các nước trên thế giới);

Trước thực trạng đó, hành động của chúng ta hôm nay nhằm gìn giữ môi trường, giảm phát thải, phát triển kinh tế tích cực với thiên nhiên sẽ quyết định đến tương lai bền vững của Việt Nam. Đây cũng là thông điệp mà chuỗi sự kiện, tọa đàm “Việt Nam Hướng Đến Tương lai Bền vững” do LifeNex và PDA & Partners khởi xướng và tổ chức.

Mai Lê

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/kinh-te-xanh-va-bao-ve-moi-truong-tu-goc-nhin-doanh-nghiep-c2a78068.html