Loạt 'siêu cường' gom mua, doanh nghiệp Việt bán con tôm thu về 2 tỷ USD
Được loạt 'siêu cường' trên thế giới mạnh tay gom mua, các doanh nghiệp đầy ắp đơn hàng xuất khẩu tôm, đem về 2 tỷ USD chỉ trong 7 tháng năm 2024.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,29 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu nhóm hàng này tăng 7,3%, đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong đó, riêng xuất khẩu tôm thu về 2 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong ngành thủy sản.
Hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất thế giới, chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu. Con tôm của Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong nửa đầu năm nay, một loạt “siêu cường” như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… tiếp tục chi lượng tiền lớn mua tôm Việt Nam, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng duy trì mức tăng trưởng dương.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) đạt 328 triệu USD, tăng mạnh 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong top 5 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của nước ta, Trung Quốc là thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc - khách hàng lớn nhất của con tôm hùm Việt Nam – đã tăng mua mạnh, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu loại "hải sản nhà giàu" này tăng đột biến 57 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 303 triệu USD, tăng nhẹ 1%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 229 triệu USD giảm 3%; sang EU đạt 217 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, giá tôm chân trắng (sản phẩm tôm chiếm tỷ trọng cao nhất của nước ta) sang một số thị trường đang có xu hướng tăng trở lại.
Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng 3,1% so với tháng trước, lên 6,5 USD/kg; sang Mỹ tăng 2%, ở mức 10,2 USD/kg; sang Nhật Bản tăng 3,4% lên 8,8 USD/kg…
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Đình Hiền - đại diện Công ty CP Thủy sản Thông Thuận (Khánh Hòa) - cho biết, thị trường tôm đã phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng lạm phát trên toàn cầu, cước vận tải biển tăng cao… Song, đơn hàng xuất khẩu tôm năm nay đã tăng hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
“Thời điểm tháng 6, đơn hàng mà chúng tôi ký được đã đủ cho nhà máy sản xuất đến hết tháng 8 năm nay”, vị đại diện này nói.
Sau khi thu về 500 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, 48 nhà máy thủy sản tại “thủ phủ tôm” Bạc Liêu cũng đang đẩy mạnh chế biến và tăng cường xuất khẩu cho các tháng cuối năm – “mùa vàng” của ngành thủy sản.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo những tháng cuối năm nay xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, EU… sẽ tăng trưởng tốt. Bởi, theo quy luật của thị trường, các nhà nhập khẩu thường tăng cường mua lượng lớn hàng để phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm.
Ngoài ra, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu phục hồi và giá sẽ tăng trở lại. Theo chiều hướng này, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu 4 tỷ USD trong năm nay.