Kinh tế Xây dựng - Giao thông Cơ hội tốt để phát triển

Có thể nói bất động sản (BĐS) là kênh đầu tư lâu nay vẫn thu hút nhiều người, dù có lúc trồi, lúc trụt. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay thị trường BĐS có phần chững lại vì đang giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 và sự siết chặt dòng vốn vay ngân hàng. Đây là thời "điểm vàng" để các doanh nghiệp (DN) soi chiếu năng lực tính toán phương án đầu tư tạo những sản phẩm tốt. Điều này hy vọng thời gian đến thị trường BĐS sẽ sôi động, trong đó có Thừa Thiên Huế.

Đô thị Huế sẽ kết nối liên vùng, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước

Đô thị Huế sẽ kết nối liên vùng, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước

Lợi thế lớn nhất của Thừa Thiên Huế trong thời điểm này là phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm đến. Trong đà này, nhiều dự án (DA) và siêu DA về hạ tầng giao thông đã, đang tăng tốc về đích, đơn cử như các cao tốc La Sơn - Túy Loan; Cam Lộ - La Sơn; đường ven biển; nhà khách T2 Cảng HKQT Phú Bài công suất 5 triệu khách/năm... Các DA này hứa hẹn một sự kết nối liên vùng mạnh mẽ giữa các trung tâm, đầu mối kinh tế ở khu vực miền Trung, thúc đẩy phát triển du lịch - công nghiệp - dịch vụ - kinh tế biển… Ở góc độ giao thông liên vùng, hàng loạt DA đã, đang và sắp triển khai, có thể thấy dù bị ảnh hưởng không ít bởi dịch COVID-19, giá cả vật tư tăng cao nhưng trong vòng 5-7 năm tới, diện mạo Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực miền Trung sẽ đổi khác theo hướng hiện đại và quy tụ được nhiều nguồn lực, nhiều nhà đầu tư đa ngành nghề, đa lĩnh lực trình độ cao.

Trong 5-7 năm đến, hệ thống giao thông như đề cập trên sẽ kết nối các đô thị nội vùng và liên vùng Huế - Đông Hà - Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ... Bên cạnh đó còn có hàng loạt các DA hạ tầng giao thông khác, như nâng cấp hệ thống đường sắt bắc nam; mở rộng đầu tư hạ tầng phát triển dịch vụ trung chuyển vận tải biển, logistic... kết nối liên vùng và quốc tế tại các cảng biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị khi mới đây vừa được Chính phủ công bố danh mục loại I và II.

Dưới góc nhìn của những DN, nhà đầu tư BĐS lớn, nhỏ thì đây chính là những yếu tố “vàng” để phát triển DA, thu hút nguồn lực từ bây giờ cho đến 5-10 năm tới. Gần đây, Thừa Thiên Huế đã tiếp đón, làm việc và đón nhận luồng vốn đầu tư từ khá nhiều nhà đầu tư lớn trong, ngoài nước như: Apec Group, Minh Linh Group, Minh Viễn Group, VinGroup, Vneco, Bitexco... Với tầm nhìn của mình, các tập đoàn và DN lớn trong ngành BĐS đã nhanh chóng đấu giá thành công nhiều quỹ đất đẹp, tiến hành xây dựng hạ tầng và đi vào kinh doanh. Đặc biệt, không chỉ “nhắm” đến BĐS nhà ở, đất nền, nhiều DN đã “nhắm” đến việc đầu tư tại Thừa Thiên Huế các sản phẩm BĐS có tính bền vững như, đầu tư phát triển ngành nghề, du lịch dịch vụ; nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ cao...

Tiềm năng, lợi thế, mức độ quan tâm của thị trường đã rõ. Vấn đề còn lại là địa phương và các tỉnh, thành trong khu vực làm thế nào để tận dụng tốt tiềm năng phát triển này để đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển chung. Điều này cần đến những giải pháp sớm và đồng bộ. Công tác quy hoạch phải thực sự “đi trước một bước” và "nhiều bước" để phù hợp với xu thế phát triển chung trong nhiều năm tới, quy hoạch đúng hướng sẽ giúp địa phương phát triển nhanh, mạnh mẽ. Việc rà soát quỹ đất để tận dụng đúng và hợp lý tài nguyên đặc biệt này là quan trọng. Hơn nữa cần xác định, kiểm tra tiềm lực của các nhà đầu tư để tránh tình trạng “xí” đất rồi “treo” DA. Hoàn thiện hệ thống pháp lý cho thị trường BĐS, kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai và kinh doanh DA cũng là yếu tố phải quan tâm để tận dụng được sự phát triển của thị trường và đem lại lợi ích lâu dài cho địa phương.

Bài, ảnh: Song Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/co-hoi-tot-de-phat-trien-a115472.html