Kinh tế Xây dựng - Giao thông Đồng bộ hạ tầng đô thị Huế

TTH - Trải qua 1 năm với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song TP. Huế đã huy động nguồn lực thực hiện chương trình điều chỉnh địa giới gắn với chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Không gian hai bờ sông Hương tiếp tục được TP. Huế đầu tư để đồng bộ hạ tầng

Không gian hai bờ sông Hương tiếp tục được TP. Huế đầu tư để đồng bộ hạ tầng

Quy hoạch không gian đô thị

Năm 2021, TP. Huế tập trung hoàn thiện các quy hoạch (QH) phát triển, nâng cấp đô thị, phát triển trục cảnh quan sông Hương làm trục chính phát triển đô thị theo hướng biển. Trong đó, QH lại không gian đô thị trung tâm trên cơ sở bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa gìn giữ và phát huy các giá trị di sản và phát triển các khu vực TP. Huế mở rộng.

Đối với QH chi tiết hai bờ sông Hương, ngày 19/3/2021, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đồ án QH chi tiết hai bên bờ sông Hương. Trong đó, phạm vi quy hoạch bao gồm khu vực dọc sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, chiều dài khoảng 15km, chiều rộng mỗi bên sông tiếp cận đến các tuyến đường dọc hai bờ sông hoặc cách mép bờ sông mỗi bên trung bình khoảng 100m (bao gồm cồn Hến và cồn Dã Viên), tạo điểm nhấn cho thành phố mở rộng và phát triển không gian hai bên bờ sông.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành việc điều chỉnh cục bộ một số khu vực để kêu gọi đầu tư, triển khai dự án (DA) hạ tầng kỹ thuật (HTKT) thuộc các QH phân khu, như: Thủy Xuân, An Tây, Thủy Biều, Hương Sơ, An Hòa, Trung tâm phía nam; điều chỉnh cục bộ QH chi tiết trục đường Bà Triệu. Mặt khác, hoàn thành QH phân khu phường Phú Hậu - Gia Hội; điều chỉnh QH phân khu khu vực Kinh thành Huế, bổ sung 4 phường ngoại thành…

Năm 2022, thành phố tiếp tục bố trí vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng cho các xã, phường mới sáp nhập

Năm 2022, thành phố tiếp tục bố trí vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng cho các xã, phường mới sáp nhập

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, cùng với công tác QH các khu vực quan trọng trên địa bàn, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm chỉnh trang đô thị. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ các DA HTKT khu dân cư Bắc Hương Sơ khu vực 3,4,5,6,7,8; nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội; tuyến đường dọc bờ sông Hương (phía nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa; chỉnh trang khu vực cồn Dã Viên (phía tây). Tiếp tục đầu tư các giai đoạn để hoàn thiện chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương như: Thương Bạc, công viên Vườn Mai, công viên Kim Long đoạn từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ, trong đó tập trung chỉnh trang hệ thống đường dạo, không gian công cộng, điện chiếu sáng, các tiện ích đô thị công viên như bãi để xe, camera giám sát, wifi, nhà vệ sinh công cộng…

Để hoàn thiện hạ tầng đô thị ở các xã, phường mới sáp nhập, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực trạng cơ sở hạ tầng tại 13 xã, phường sáp nhập vào thành phố, qua đó lập kế hoạch dự kiến danh mục đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Tiếp tục hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo nhu cầu đầu tư và nguồn vốn. Đến nay, có 2 DA đang triển khai và 11 DA chuẩn bị đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 57 tỷ đồng.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Để hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế, cùng với việc triển khai các chương trình, DA trọng điểm, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo triển khai các DA đầu tư, công trình trọng điểm về chỉnh trang đô thị trên địa bàn. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA trọng điểm như DA di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế, DA Cải thiện môi trường nước thành phố, các DA chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương và chỉnh trang đô thị Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), phấn đấu hoàn thành dứt điểm công tác di dời dân cư, GPMB giai đoạn 1 của đề án di dời dân cư, GPMB khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế tại các khu vực Thượng thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào, Tuyến Phòng lộ, hồ Tịnh Tâm, trấn Bình Đài (Mang Cá nhỏ). Tiếp tục lập các thủ tục để thực hiện giai đoạn 2 của đề án tại các khu vực: Hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiễn Võ Từ… , trong đó ưu tiên thực hiện khu vực đàn Xã Tắc trong năm 2021 và các khu vực khác trong năm 2022.

Bên cạnh các DA trọng điểm đã và đang triển khai, hiện một số tuyến đường trung tâm, huyết mạch giao thông trên địa bàn chưa được chỉnh trang đồng bộ lòng đường, vỉa hè, thoát nước do kinh phí thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư lớn, như đường Bà Triệu, Trần Phú, Bùi Thị Xuân...; 13 đơn vị mới sáp nhập vào thành phố có hạ tầng về giao thông, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng còn hạn chế.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, để hoàn thiện hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, năm 2022, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đô thị theo hướng văn minh, trong đó quản lý tổ chức giao thông, điểm đỗ xe các tuyến đường nội thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, cây xanh đảm bảo tiêu chí đô thị loại 1. Tiếp tục thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, hạ lề làm điểm giao thông tĩnh, rà soát, tổ chức phù hợp phương án dừng, đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ, lắp đặt biển báo hiệu giao thông đường bộ tại một số tuyến đường trung tâm thành phố.

Mặt khác, ưu tiên vốn triển khai các DA đầu tư hệ thống thoát nước, vỉa hè, bó vỉa, điện chiếu sáng các tuyến đường trung tâm đô thị; chỉnh trang công viên, điểm xanh, trồng cây xanh đường phố... nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị; tiếp tục triển khai đề án đặt tên đường, gắn biển số nhà, đồng thời thực hiện công tác duy tu hệ thống chiếu sáng và thu gom rác của 13 đơn vị sáp nhập vào thành phố.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dong-bo-ha-tang-do-thi-hue-a107791.html