Kinh tế Xây dựng - Giao thông Nâng cấp đê ven đầm phá phục vụ sản xuất
TTH - Với sự diễn biến dị thường của thời tiết gây triều cường, sóng lớn giữa mùa khô, nhiều tuyến đê ven đầm phá trên địa bàn tỉnh được đầu tư đã lâu xuất hiện các điểm nứt vỡ. Trước mắt, chính quyền địa phương đã gia cố tạm thời, về lâu dài cần đầu tư kiên cố hóa.
Nguy cơ vỡ đê
Trong 3 ngày qua, tuyến đê Tây phá Tam Giang đi qua địa bàn xã Quảng Thái (Quảng Điền) liên tiếp bị nứt, tràn gây nguy cơ vỡ đê do triều cường. Chính quyền địa phương, HTX đã huy động lực lượng gia cố tạm thời để bảo vệ diện tích lúa đông xuân.
Sáng 18/4, UBND xã Quảng Thái, HTX Tam Giang tiếp tục huy động thêm nhân lực, vật tư để gia cố lại tuyến đê Tây phá Tam Giang đoạn đi qua vùng Ô Biền. Trong 3 ngày qua, tuyến đê nền đất này liên tục xuất hiện các điểm nứt, gây tràn do triều cường, sóng lớn, nguy cơ vỡ đê nước từ đầm phá tràn vào đồng ruộng. Đoạn đê qua vùng Ô Biền bị gãy vỡ trên chiều dài khoảng 10m. Triều cường trên phá Tam Giang dâng cao kết hợp với gió, sóng đập mạnh vỗ vào bề mặt đê đã gây nứt tại vị trí xung yếu.
Tuyến đê Tây phá Tam Giang kéo dài từ cầu Hòa Xuân về đến khu vực Cồn Tộc, xã Quảng Lợi (Quảng Điền), được đầu tư xây dựng và hoàn thiện năm 2016 trên chiều dài hơn 10km bằng bê tông. Từ đầu năm 2022 đến nay, với sự diễn biến dị thường của thời tiết, trên tuyến đê này đã 3 lần xuất hiện các điểm đứt gãy, sạt trượt nhiều đoạn.
Các điểm hư hỏng do triều cường sóng lớn chủ yếu tập trung ở đoạn tiếp giáp nền đê bằng bê tông và nền đê bằng đất (đoạn qua thôn Trung Làng) gây xói lở khiến nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng, nguy cơ ảnh hưởng hơn 100ha diện tích lúa vụ đông xuân. Tiếp nối đê Tây phá Tam Giang còn khoảng 1,6km đê bằng đất cũng bị ảnh hưởng bởi triều cường gây nguy cơ vỡ đê.
Ông Phạm Công Trạch, Giám đốc HTX Tam Giang cho biết, ngay khi có hiện tượng vỡ đê, HTX đánh kẻng báo động và huy động người dân cùng với phương tiện, ghe, bao tải, cừ để kịp thời hộ đê, đắp đập. Đến nay, các lực lượng đã đắp được đoạn nứt vỡ, nước chưa tràn qua nên chưa gây thiệt hại đến diện tích lúa.
Tuy nhiên, do những ngày tới dự kiến tiếp tục có triều cường, sóng lớn nguy cơ gây nứt vỡ đoạn đê dài thêm khoảng 50m nữa vẫn còn rất cao. HTX Tam Giang tiếp tục huy động các lực lượng, phương tiện tăng cường đóng cừ, sử dụng tấm bạt, bao tải đựng đất đá để tiếp tục đắp đê cao, vững chắc đoạn đê này để bảo vệ an toàn cho diện tích lúa đông xuân ở phía trong.
Tương tự, các tuyến đê ven đầm phá, đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương, Đại Giang… qua địa bàn các huyện Phong Điền, Phú Vang hiện có cao trình bờ rất thấp từ +0,5m đến +1,0m; nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn, triều cường trên đầm phá đã tràn qua mặt đê, gây xói lở, hư hỏng ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp.
Cần sớm đầu tư
Ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái thông tin, liên quan đến tuyến đê Tây phá Tam Giang xuống cấp, UBND huyện Quảng Điền cũng đã đề xuất với UBND tỉnh đầu tư kiên cố hóa nhằm kết hợp giao thông, phục vụ sản xuất và đã được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư. Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất danh mục các gói đầu tư thuộc dự án (DA) hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư.
Theo đó, chấp thuận chủ trương đầu tư DA “nâng cấp đê kết hợp giao thông Tây phá Tam Giang, quản lý bảo vệ rừng, phát triển du lịch sinh thái xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền” (thuộc gói hạ tầng, hợp phần 2 - DA hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường chống chịu vùng ven biển) với tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng. Dự kiến, DA sẽ triển khai trong tháng 7/2022.
UBND tỉnh còn thống nhất danh mục 5 gói đầu tư cơ sở hạ tầng - hợp phần 3, trong đó bao gồm một số hợp phần như nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông Đông phá Tam Giang, quản lý bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái xã Phú Diên (Phú Vang); nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông ven đầm Cầu Hai, quản lý bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, phát triển dịch vụ, du lịch cộng đồng xã Lộc Bình (Phú Lộc); nâng cấp đường giao thông phục vụ sản xuất, phòng, chống cháy rừng phát triển trang trại tổng hợp Thượng Hòa - Nam Lợi - La Vần xã Phong Hiền (Phong Điền).
Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, ngân sách đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hàng năm còn hạn chế, vượt khả năng cân đối của các địa phương trong tỉnh. Từ năm 2006 đến nay, bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương trên địa bàn mới chỉ mới đầu tư được khoảng 78km đê biển, đầm phá với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, đạt 40% trên tổng chiều dài đê theo chương trình nâng cấp đê biển. Còn lại 103km đê, và hơn 100 cống lớn, nhỏ chưa được đầu tư nâng cấp. Do thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt và tác động của sóng, gió và thủy triều vùng đầm phá nên nhiều đoạn đê chưa được nâng cấp tiếp tục bị xuống cấp cần tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp trong thời gian tới. Với chiều dài còn lại khoảng 103km, hơn 100 cống, đã bị xuống cấp kinh phí để đầu tư các tuyến đê còn lại khoảng 1.000 tỷ đồng.
Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa
Theo Công ty TNHH NN MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện nay mới chỉ có hồ Thủy Yên được xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du, đối với các hồ khác chưa được xây dựng. Thời gian đến, cần ưu tiên các hồ thủy lợi có hạ du tập trung đông dân cư cần phải lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du như: Truồi, Khe Ngang, Hòa Mỹ, Phú Bài 2, Thọ Sơn, Châu Sơn, A Lá và hồ Mỹ Xuyên. Riêng hồ Phú Bài 2 và hồ Hòa Mỹ kinh phí xây dựng bản đồ ngập lụt đã được phê duyệt lồng ghép trong DA.