Kinh tế Xây dựng - Giao thông Quỹ đất lợi thế, tạo lợi thế

TTH - Khá nhiều dự án (DA) giao thông hiện trên địa bàn đã, đang được triển khai thực hiện kết hợp với việc khai thác quỹ đất lợi thế (quỹ đất dọc hai bên các tuyến đường giao thông sẽ được đầu tư xây dựng) để đưa ra đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách, phục vụ tái đầu tư cho các DA khác.

Nhiều ngôi nhà chưa di dời khiến dự án đường Phú Mỹ - Thuận An chậm tiến độ

Nhiều ngôi nhà chưa di dời khiến dự án đường Phú Mỹ - Thuận An chậm tiến độ

Đơn cử, như đường Phú Mỹ - Thuận An (Phú Vang); đường Phong Điền - Điền Lộc (Phong Điền); đường Tố Hữu (TP. Huế) nối dài đến sân bay Phú Bài (Hương Thủy); đường tây phá Tam Giang nằm trên TL10A nối Phú Mỹ - Phú Đa (Phú Vang)... Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách ở địa phương còn hạn hẹp, việc khai thác quỹ đất lợi thế khi triển khai các DA giao thông là giải pháp khả thi để có nguồn lực đầu tư các DA phục vụ nhu cầu phát triển.

Lâu nay, những tuyến đường ngang dọc tại vị trí đắc địa ở khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương đã trở thành địa chỉ hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đến đầu tư xây dựng chung cư, nhà cao tầng, nhà hàng, phố thương mại. Vì thế giá trị đất đai ở khu vực này ngày càng tăng cao là điều dễ hiểu.

Người xưa đúc kết kinh nghiệm “đường mở trước, kinh tế theo sau” đến nay vẫn nguyên giá trị. Khi các DA giao thông triển khai thực hiện thì giá trị quỹ đất lợi thế dọc các tuyến đường này sẽ tăng cao hơn. Vì vậy, nguồn thu từ quỹ đất lợi thế sẽ rất lớn và là nguồn bổ sung quan trọng để tái đầu tư cho các DA hạ tầng khác. Hơn nữa, việc các khu đất lợi thế được quy hoạch bài bản trước khi thực hiện đấu giá cũng sẽ giúp việc phát triển được thực hiện theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng phát triển manh mún, lộn xộn khi các DA giao thông đưa vào khai thác.

Có thể thấy, việc khai thác quỹ đất lợi thế khi triển khai các DA hạ tầng giao thông là hướng đi đúng đắn, đạt nhiều mục đích. Tuy nhiên để làm được điều này quan trọng nhất là việc triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) phải thực hiện một cách chuyên nghiệp. Lâu nay, công tác GPMB nói chung và GPMB cho các DA giao thông gặp rất nhiều khó khăn, bởi công việc này đối với các DA giao thông phải đi theo hướng tuyến của DA. Do đó diện tích đất cần thu hồi cũng như số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng thường lớn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tiến độ thực hiện các DA giao thông thường kéo dài, chậm trễ. Đơn cử, hiện nay DA đường Phú Mỹ - Thuận An (TP. Huế) dài hơn 4,2km, rộng 36m khởi công vào năm 2018 đang chậm tiến độ, do còn vướng GPMB với 8 hộ dân thôn Dưỡng Mong, Phú Mỹ chưa chịu bàn giao mặt bằng; trong đó có một số hộ không chấp nhận giá đền bù. Hay DA đường Phong Điền - Điền Lộc (Phong Điền) dài hơn 16km cũng triển khai từ năm 2018 cũng chậm tiến độ do vướng GPMB của hơn 1.200 ngôi mộ tại xã Điền Lộc chưa có phương án tối ưu để di dời.

Từ thực tế đó cho thấy, việc thực hiện khai thác quỹ đất lợi thế khi triển khai các DA giao thông thì độ khó đối với công tác GPMB sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Bởi ngoài phạm vi thực hiện DA, công tác GPMB phải được triển khai thực hiện thêm đối với phần quỹ đất lợi thế được quy hoạch để khai thác.

Để có thể triển khai được các DA giao thông kết hợp với việc khai thác quỹ đất lợi thế, cần phải có một quy trình cũng như đội ngũ thực hiện công tác GPMB đồng bộ, chuyên nghiệp, nhưng khi lâu nay công việc này chỉ giao cho huyện, xã. Một khi đã không giải quyết tốt vấn đề GPMB thì không những việc khai thác quỹ đất lợi thế khó có thể thực hiện mà tiến độ các DA giao thông cũng bị ảnh hưởng. Khi các DA bị chậm tiến độ sẽ gây ra sự lãng phí nguồn vốn cũng như làm chậm nhịp phát triển là tất yếu.

Bài, ảnh: Song Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/quy-dat-loi-the-tao-loi-the-a108045.html