Kinh tế Xây dựng - Giao thông Tạo quỹ đất để thu hút đầu tư

TTH - Với mục tiêu đưa Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô trở thành trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp; KKT động lực gắn kết với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ngoài việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, Ban Quản lý (BQL) KKT, công nghiệp tỉnh 'mạnh tay' với các dự án (DA) chậm tiến độ, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư tiềm lực.

Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhìn từ trên cao

Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhìn từ trên cao

Được gia hạn nhưng không triển khai

Khởi công vào năm 2008 tại thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), DA Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô có tổng vốn đăng ký 5.230 tỷ đồng, diện tích hơn 290ha do Công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú - Lăng Cô làm chủ đầu tư. Với thiết kế gồm 3 hạng mục công trình gồm khu resort ven biển 100 phòng, phố ẩm thực hải sản và công viên biểu tượng có diện tích 17.000m2, đến nay, DA vẫn nằm trên giấy.

Dù được UBND tỉnh, BQL KKT, công nghiệp tỉnh cho điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện DA (năm 2017) nhưng nhà đầu tư vẫn không hoàn thành các thủ tục đầu tư để triển khai DA. Đến nay, DA chậm hoàn thành giai đoạn 1 (hạng mục sân golf và công trình phụ trợ) so với tiến độ tại Giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, việc kiểm kê đền bù đất cho người dân địa phương vẫn chưa xong, khiến nhiều hộ dân nằm trong vùng DA sống trong cảnh bất an, chờ đợi.

Tại thị trấn Lăng Cô, DA Khu du lịch Bãi Chuối được cấp phép tại khu vực Bãi Chuối để xây dựng khu nghỉ dưỡng với vốn đầu tư đăng ký 1.636 tỷ đồng, diện tích thuê đất 100ha. Theo dự kiến, DA sẽ hoàn thành vào năm 2014, đến nay vẫn đang là một khu đất bỏ hoang.

Theo thống kê, hiện KKT Chân Mây - Lăng Cô thu hút 72 DA đầu tư với tổng vốn đăng ký lần đầu khoảng 97.000 tỷ đồng. Hiện, một số DA đã hoàn thành đưa vào hoạt động, tạo động lực phát triển KKT và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương như, Laguna Lăng Cô, Bến số 1 cảng Chân Mây, nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam, nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina…; một số DA chậm tiến độ.

Thu hồi 22 DA “treo”

Trưởng phòng Đầu tư, Doanh nghiệp & Lao động, BQL KKT, công nghiệp tỉnh, ông Ngô Văn Phong cho rằng, bên cạnh các DA triển khai đúng tiến độ, hiện trên địa bàn KKT vẫn còn khá nhiều DA chậm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009 và tiếp tục suy thoái vào năm 2011 kéo dài đến nay, lãi suất vay cao, thị trường trầm lắng đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư cũng như công tác huy động, giải ngân vốn đầu tư của các DN. Ngoài ra, do khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), các thủ tục hành chính về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai nên nhà đầu tư triển khai chậm tiến độ so với tiến độ được cấp phép.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các DA “đắp chiếu” vì một số nguyên nhân, như: nhà đầu tư thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, không còn đủ khả năng triển khai DA. Một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực để triển khai DA nhưng vẫn đăng ký để giữ chỗ, chờ chuyển đổi DA để kiếm lợi. Nhiều DA đăng ký đầu tư với sản phẩm đầu ra tương tự trong khi khả năng hấp thụ nền kinh tế địa phương không cao dẫn đến khó đảm bảo hiệu quả DA...

Qua quá trình triển khai quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, pháp luật liên quan, đến nay Ban đã rà soát, thu hồi 22 DA chậm tiến độ với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc sử dụng đất của các DA đầu tư trên địa bàn KKT, hiện có 5 DA thuộc diện rà soát thu hồi, 6 DA cần giám sát đặc biệt, 1 DA cần đôn đốc tiến độ thực hiện.

Sản xuất hàng xuất khẩu ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Sản xuất hàng xuất khẩu ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Ông Phong cho biết, hiện Ban đã rà soát, chấm dứt hoạt động 5 DA, trong đó 4 DA thuộc diện thu hồi và 1 DA giám sát đặc biệt, đồng thời thu hồi một phần diện tích đất của 1 DA trên tổng số 12 DA chậm tiến độ. Đối với các DA còn lại, các chủ đầu tư đã đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động; một số DA chậm tiến độ chưa xử lý do chưa đủ cơ sở pháp lý, nhà đầu tư đang tiếp tục thực hiện DA. Một số DA còn vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, chưa được nhà nước cho thuê đất đầu tư nên thời gian chậm thuê đất không tính vào thời gian thực hiện DA nên chưa đủ điều kiện để chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Làm sạch môi trường đầu tư

Để thu hút đầu tư, BQL KKT, công nghiệp tỉnh đang đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ các DA hạ tầng KKT. Hiện, các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn KKT cơ bản hoàn chỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 3.720 tỷ đồng, bao gồm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật 4 DA tái định cư với tổng diện tích khoảng 125ha, khả năng tái định cư cho khoảng 2.000 hộ dân; cơ bản hoàn thiện các tuyến giao thông chính theo quy hoạch chung, tổng chiều dài khoảng hơn 100km, đáp ứng nhu cầu lưu thông trong nội bộ KKT và tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận triển khai DA.

Lãnh đạo BQL KKT, công nghiệp tỉnh cho biết, Ban tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát, làm việc với các DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA. Trong đó, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, xử lý vi phạm DA chậm tiến độ để làm cơ sở rà soát chấm dứt hoạt động DA theo quy định. Đối với các DA đã được cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, Ban phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý vi phạm trước khi gia hạn tiến độ sử dụng đất để làm cơ sở xem xét, thu hồi đất và chấm dứt hoạt động DA trong trường hợp DA tiếp tục chậm tiến độ thực hiện. Các DA không có khả năng tiếp tục triển khai, Ban cương quyết thu hồi để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới tiếp cận, nghiên cứu đầu tư; các DA chưa hoàn thành công tác bồi thường, GPMB thì tiếp tục phối hợp với UBND huyện Phú Lộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Trưởng BQL KKT, công nghiệp tỉnh, ông Lê Văn Tuệ khẳng định, để thu hút đầu tư và chấn chỉnh các DA chậm tiến độ, thời gian tới, Ban sẽ phối hợp UBND huyện Phú Lộc tập trung hỗ trợ bàn giao mặt bằng sạch cho các DA, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA, sớm đưa vào khai thác vận hành sản xuất, tạo công ăn việc làm cho bà con địạ phương. Đồng thời, tiếp tục rà soát hồ sơ, kiểm tra tình hình triển khai DA trên thực địa, tổ chức làm việc để nghe nhà đầu tư báo cáo các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị để có hướng giải quyết. Trường hợp nhà đầu tư không có khả năng triển khai DA thì sẽ thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động toàn bộ DA hoặc một phần DA theo quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật có liên quan để làm sạch môi trường đầu tư, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư mới có năng lực, kinh nghiệm.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tao-quy-dat-de-thu-hut-dau-tu-a106421.html