Kinh tế Xây dựng - Giao thông Xử lý điểm sạt lở, xây dựng khu tái định cư an toàn

TTH - Chủ động ứng phó, xử lý các điểm nguy cơ cao sạt lở núi và tái định cư (TĐC) di dời người dân đến nơi an toàn là những giải pháp chính quyền huyện A Lưới thực hiện, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Sạt lở núi nguy cơ ảnh hưởng đến chợ Bốt Đỏ (xã Phú Vinh, huyện A Lưới)

Sạt lở núi nguy cơ ảnh hưởng đến chợ Bốt Đỏ (xã Phú Vinh, huyện A Lưới)

Với địa hình có độ dốc cao, nhiều đồi núi, ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu, thời gian qua, trên địa bàn huyện A Lưới xuất hiện nhiều điểm nguy cơ sạt lở núi ngay gần khu dân cư.

Hàng năm, đến mùa mưa bão, các địa phương đã chủ động lên phương án di dời và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, phương án xử lý các điểm đứt gãy, sạt trượt núi và xây dựng khu TĐC cần phải tính đến.

Trên địa bàn huyện A Lưới có 4 điểm sạt trượt núi, ngập lụt nguy cơ cao trong mùa mưa lũ. Trong đó, 2 điểm trượt lở núi ở xã Phú Vinh và Hồng Thủy là “trọng điểm”, cần có phương án xử lý sớm để đảm bảo an toàn.

Tại thôn Phú Thành (Phú Vinh) - thuộc khu vực Bốt Đỏ nơi có 32 hộ dân đang sinh sống, tình trạng trượt lở núi ở đây đã diễn ra từ năm 2018 và đến nay đã xuất hiện vết nứt gãy kéo dài trên đỉnh đồi. Cụm dân cư ở đây có nhà cách vị trị sạt lở chỉ vài mét; thậm chí có hộ gia đình điểm sạt lở nằm sát hồi nhà.

Bà Phan Thị Gái, một hộ dân sinh sống ở đây cho biết, mỗi khi có mưa lớn, khe suối từ trên đồi đổ nước xuống ầm ầm, nhà nằm sát chân đồi nên người dân thấp thỏm không yên. Mỗi năm có mấy đợt di dời, gia đình phải thu gom đồ đạc theo cán bộ di dời đến nơi an toàn. Nếu xảy ra sạt lở núi, khu vực chợ Bốt Đỏ bên dưới chắc chắn bị san phẳng!

“Cứ mưa to 2-3 ngày là cán bộ xuống buộc di dời ngay. Nếu có kinh phí san gạt quả đồi, hạ thấp độ cao thì người dân yên tâm hơn trong mùa mưa bão”, bà Gái nói.

Ông Hồ Chính Bê, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh thông tin, liên quan tình trạng đứt gãy núi, nguy cơ sạt lở mùa mưa ở khu vực chợ Bốt Đỏ, xã đã kiến nghị nhiều lần và các ban, ngành, chính quyền cấp trên đã tiếp nhận. Các hộ dân sinh sống ở đây sinh kế chủ yếu là buôn bán. Trước mắt, hàng năm xã đều xây dựng phương án ứng phó thiên tai chi tiết đối với những khu vực dân cư này. Mùa mưa bão, xã bố trí cán bộ đến từng điểm, phụ trách từng gia đình cụ thể để tiến hành di dời. Về lâu dài, đã có phương án san gạt, hạ độ cao quả đổi nhằm đảm bảo an toàn cho khu dân cư.

Tương tự, hơn 100 hộ dân ở thôn Tri Pỉ (Hồng Thượng) cũng đối diện nguy cơ sạt lở núi. Cụm dân cư này sinh sống đã lâu, do ảnh hưởng thiên tai qua các năm, trên dãy núi gần khu dân cư này đã xuất hiện vết đứt gãy với chiều sâu hơn 2m, tách đôi quả đồi. Chính quyền địa phương đã bố trí một phần dân cư ở đây xen ghép vào khu TĐC thôn Pa Ay cùng xã. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân sống gần chân núi với nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa cần được di dời TĐC.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới (cơ quan thường trực phòng, chống lụt bão huyện) thông tin, đối với điểm sạt lở núi ở khu vực Bốt Đỏ, xã Phú Vinh, UBND huyện A Lưới đã giao Ban Đầu tư xây dựng khu vực huyện mời đơn vị tư vấn, khảo sát thiết kế tính toán các hạng mục cần đầu tư và báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương xử lý điểm sạt lở này.

Theo đó, sẽ tiến hành san gạt quả đồi, hạ độ cao núi và lấy phần đất đó san lấp cho khu vực hồ nuôi cá bên này, tạo mặt bằng cho khu dân cư sau này. Dự kiến, kinh phí thực hiện khoảng 20 tỷ đồng.

Riêng đối với các hộ dân ở thôn Tru Pỉ (xã Hồng Thượng), huyện đã tiến hành khảo sát và có phương án di dời hơn 100 hộ dân ở khu vực này qua bên kia sông Đakrông với diện tích khu vực TĐC hơn 12ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 45 tỷ đồng. Khu vực này vốn đã quy hoạch khu dân cư, huyện đã đề xuất UBND tỉnh và chỉ chờ kinh phí để thực hiện.

“Để xử lý các điểm sạt lở núi, xây dựng các khu TĐC cần nguồn kinh phí rất lớn, vượt qua khả năng tài chính của địa phương, do vậy, huyện cũng xác định vùng trọng điểm, nguy cơ cao để tiến hành thực hiện trước và cũng đã đề xuất tỉnh cần bố trí kinh phí sớm để thực hiện công tác xử lý, di dời TĐC đảm bảo an toàn cho các hộ dân.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới đánh giá, tình trạng sạt lở những năm qua ngày càng diễn biến phức tạp với các điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 49A đoạn qua xã Hồng Hạ, Hương Nguyên, Phú Vinh, Hồng Thủy; khu vực đèo A Co dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh. Đối với các điểm có cụm dân cư, nguy cơ cao, trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện A Lưới chú trọng công tác tuyên truyền và tổ chức di dời người dân đến các điểm an toàn khi mưa bão xảy ra. Về lâu dài, huyện đã xây dựng phương án phù hợp để xử lý các điểm sạt lở này.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/xu-ly-diem-sat-lo-xay-dung-khu-tai-dinh-cu-an-toan-a112632.html