Kính xin... giảm bớt 'kính thưa'

Khoảng 15 năm trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đưa ra bàn thảo khá kỹ về câu chuyện xoay quanh hai chữ 'kính thưa'.

Các đại biểu thẳng thắn luận bàn, đưa ra chính kiến nhằm giải quyết một bài toán khá tế nhị, rằng: Trong một hội nghị, hội thảo, cuộc họp... thì cần “kính thưa” bao nhiêu lần, kính thưa những ai, kính thưa như thế nào? Cuối cùng, quan điểm chung được đề xuất là chỉ nên “kính thưa” đồng chí lãnh đạo cao nhất tại phiên họp, lễ kỷ niệm, mít tinh; cùng với đó, việc “kính thưa” phải lựa chọn chức danh giới thiệu sao cho phù hợp với văn cảnh, tính chất của hội nghị, sự kiện.

Từ quyết định đó, với sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và bằng lộ trình phù hợp đã tạo ra những bước thay đổi rõ nét trong nếp nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ. Ấy vậy mà gần đây, chẳng biết vì lý do gì, câu chuyện “kính thưa” lại được tái hiện, xới lên ở không ít hội nghị, cuộc họp, hội thảo. Và chính câu chuyện “kính thưa” lại gây ức chế cho nhiều đại biểu dự hội nghị do phải mất quá nhiều thời giờ để lắng nghe những thủ tục thừa thãi. Ở không ít hội nghị, hội thảo... việc giới thiệu đại biểu và “kính thưa” diễn ra ở người làm công tác tổ chức và tất cả đại biểu có tham luận, ý kiến. Có cán bộ khi đứng lên phát biểu, tổng thời lượng “đăng đàn” chỉ khoảng chừng chục phút, nhưng thủ tục “kính thưa” đã chiếm gần 1/2 thời gian và dung lượng. “Kính thưa” ở đầu bài phát biểu đã đành, họ còn “kính thưa” ở đoạn giữa, rồi ở cuối bài, rồi lại cảm ơn, chúc mừng này nọ. Thậm chí, có lãnh đạo “bị” giới thiệu đến 4-5 chức vụ (cả chính thức lẫn kiêm nhiệm) và được nhắc lại cả chục lần trong cùng một hội nghị, cuộc họp, sự kiện.

Là người được “kính thưa”, nhưng đồng chí lãnh đạo cơ quan nọ lại bức xúc: “Thật sự, suốt hội nghị nghe anh em “kính thưa” mà không khỏi ngượng ngại; bởi lẽ tên tuổi, chức danh của mình bị nhắc đi nhắc lại, trong khi những người có mặt còn chẳng buồn để ý nữa... vì nguyên nhân sâu xa chính là sự gò buộc bởi các phép tắc lễ nghi không đáng có”. Bởi thế, lãnh đạo này đề xuất, rằng việc “kính thưa” dù là cần thiết, nhưng phải được thể hiện sao cho thật sự gần gũi, ngắn gọn.

Để việc giới thiệu đại biểu và “kính thưa” có văn hóa, đúng nghi thức trong công tác tổ chức, rất cần cơ quan chức năng sớm thống nhất cách giới thiệu và “kính thưa” ở từng loại hình hội nghị, cuộc họp, hội thảo, sự kiện... tùy theo tính chất và quy mô của nó. Thực hiện được những quy định đó cần sự vào cuộc của cả hai phía, cả người giới thiệu “kính thưa” và người được “kính thưa”. Trong đó, nếu người đứng đầu các cấp, người chủ trì các hội nghị, hội thảo, cuộc họp... gương mẫu thực hiện và quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện triệt để thì nạn “kính thưa” tràng giang đại hải mới có thể được ngăn chặn, đẩy lùi.

NGUYỄN TẤN TUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/kinh-xin-giam-bot-kinh-thua-658038