Kịp thời đề xuất giải pháp ứng phó với các biến động trên thị trường
Ngành Thống kê sẽ tập trung nâng cao chất lượng thống kê, phân tích và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó có hiệu quả các biến động trên thị trường thế giới.
"Tổng cục Thống kê sẽ không ngừng nâng cao chất lượng số liệu, thông tin đầu vào, đẩy mạnh việc trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành" là chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 19/2, tại Hà Nội. Điều này nhằm góp phần phục vụ hiệu quả vai trò Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, toàn ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng thống kê, phân tích và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó có hiệu quả các biến động trên thị trường thế giới, nhất là thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê trong và ngoài nước. Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm, để phục vụ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Thống kê đã xây dựng Khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá giai đoạn 2016-2020 và đánh giá thí điểm quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2018. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đã biên soạn, cung cấp kịp thời số liệu phục vụ đánh giá và xây dựng kế hoạch hàng năm, đánh giá giữa nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, tham gia xây dựng các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. “Đặc biệt, hàng tháng, trước mỗi phiên họp Chính phủ thường kỳ, Tổng cục Thống kê đã báo cáo Văn phòng Chính phủ những nét chủ yếu về kinh tế - xã hội trong tháng, trong quý. Đồng thời, làm rõ thêm các vấn đề trọng tâm cũng như những giải pháp cụ thể cần nhấn mạnh trong chỉ đạo điều hành.”, Tổng cục trưởng cho biết. Cùng với quá trình đẩy mạnh cải cách thể chế, đổi mới sáng tạo của Bộ, Tổng cục Thống kê đã chủ động xây dựng và hoàn thiện khung khổ thể chế cho hoạt động thống kê. Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Thống kê 2015, Tổng cục Thống kê đã xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng. Theo đó, nhiều đề án lớn của ngành được triển khai thực hiện như: Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030, Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án Hội nhập Thống kê ASEAN giai đoạn 2016-2020. Nổi bật, trong năm 2017, năm 2018 và tháng đầu năm 2019, Tổng cục Thống kê đã chủ trì xây dựng và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý cùng với các giải pháp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Ngành phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ trong quản lý, điều hành giá. Cụ thể, Tổng cục Thống kê đã xây dựng các phương án điều chỉnh giá và cung cấp thông tin để Chính phủ điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như xăng, dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục... phù hợp với thực tiễn, tiệm cận dần với giá thị trường, đồng thời vẫn bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức Quốc hội đề ra.
Để nâng cao hiệu quả chất lượng thông tin thống kê, trong thời gian tới, ngành thống kê sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Thống kê, Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và các Đề án lớn của ngành. Trong đó, tập trung hoàn thiện phương pháp nghiệp vụ, tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả công tác thống kê, bảo đảm thông tin thống kê phục vụ kịp thời, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương./.