Kịp thời đưa ngư dân gặp nạn từ Trường Sa về đất liền điều trị
Khoảng 1h sáng 25/3, máy bay trực thăng EC225 mang số hiệu VN-8622 chở Tổ Cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) kịp thời đưa bệnh nhân bị giảm áp do lặn sâu từ thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) về đất liền điều trị.
Bệnh nhân là anh Hoàng Văn Đ. (sinh năm 1972, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là thuyền viên tàu cá QNg 96-293 TS. Trong quá trình lặn sâu ở độ sâu 35 mét và lên mặt nước đột ngột nên bị đau ngực trái, khó thở nhẹ, yếu hai chi dưới. Sau đó, anh Đ. được chuyển vào Trung tâm y tế Thị trấn Trường Sa lúc 12h05 ngày 23/3.
Sau khi đưa vào cấp cứu, đội ngũ y, bác sỹ Trung tâm y tế Thị trấn Trường Sa nhanh chóng khám và xác định tình trạng bệnh nhân tiếp xúc tốt, đau tức ngục trái, yếu 2 chi dưới, sức cơ chân phải 3/5, chân trái 4/5, rối loạn cơ vòng, bí tiểu.
Hội chẩn với Bệnh viện quân y 175, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng giảm áp do lặn sâu giờ thứ 23. Do đó, các bác sĩ quyết định điều trị tại Trung tâm y tế Thị trấn Trường Sa, cho thở oxy nồng độ cao, chống đông, bù dịch, đặt thông tiểu, kháng sinh dự phòng theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn.
Tuy nhiên trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, các triệu chứng không giảm, hội chẩn qua Telemedicine với Bệnh Quân y 175, các bác sỹ đã khẩn cấp đề nghị cấp trên đưa bệnh nhân vào đất liền điều trị.
Khoảng 18h30 ngày 24/3, Binh đoàn 18 điều động máy bay trực thăng EC 225 cùng Tổ Cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 do Đại úy Đinh Văn Hồng làm Tổ trưởng Tổ Cấp cứu đường không xuất phát tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Đến 0h55 ngày 25/3 chuyến bay đáp xuống nóc tòa nhà Viện Chấn Thương chỉnh hình an toàn, nhanh chóng đưa bệnh nhân vào trung tâm cấp cứu và tiến hành điều trị tiếp theo.
Đại úy Đinh Văn Hồng chia sẻ, đối với bệnh nhân hội chứng giảm áp mức độ nặng, vấn đề đưa bệnh nhân vận chuyển bằng trực thăng về đất liền là một cân nhắc cực kỳ quan trọng, khi đưa bệnh nhân lên máy bay, các nguy cơ của hội chứng giảm áp sẽ diễn biến nặng, có thể bệnh nhân sẽ diễn tiến suy hô hấp nguy kịch, thuyên tắc phổi và ngừng tim.
"Khi đưa bệnh nhân lên máy bay kíp cấp cứu tiến hành cho bệnh nhân thở oxy nồng độ cao, theo dõi sát sinh hiệu bệnh nhân, nếu bệnh nhân diễn biến nặng phải xử lý ngay trong quá trình bay. Tổ Cấp cứu cũng luôn phối hợp cùng tổ bay, duy trì bay ở tầm bay thấp nhất có thể (từ 800-1.000m) đồng thời đảm bảo an toàn bay cho chuyến bay và bệnh nhân”, Đại úy Đinh Văn Hồng cho biết.
Đến sáng 25/3, sau khi được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân hiện đã có cải thiện.