Kíp xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập sau 50 năm: Khoảnh khắc và cuộc đời
Sau khi nghe lệnh 'Chú tông thẳng vào!', lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập đã húc tung cánh cổng chính Dinh Độc Lập, vào đúng ngày này 50 năm về trước...
Cách đây đúng 50 năm, vào ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 390 của Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, đã húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn. 50 năm sau đó, những người lính lái xe tăng ngày ấy đã gặp lại nhau để kể về khoảnh khắc lịch sử này.
Nội các Dương Văn Minh “rất sợ” quân giải phóng tiến vào
Những người lính trên xe tăng 390 ngày ấy gồm 4 người: Trung úy Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên đại đội kiêm Trưởng xe; Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1; Thiếu úy Lê Văn Phượng, Phó Đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 và Trung sĩ Nguyễn Văn Tập, lái xe.

Bức ảnh xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập do nữ phóng viên chiến trường người Pháp Françoise Demulder chụp ngày 30/4/1975.
Nhớ về ký ức Ngày Giải phóng miền Nam, Trung úy Vũ Đăng Toàn kể lại: "Đại đội của tôi lúc này có 8 xe vào nội đô để chiến đấu. Lịch sử chắc cũng đã sắp đặt - 2 xe tăng của Đại đội trưởng và Chính trị viên vào đầu tiên. Xe tăng 843 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận là xe đầu tiên đi vào đường Lê Duẩn (hiện nay). Tới Dinh Độc Lập thì xe tăng 843 rẽ sang cổng phụ bên trái và dừng lại trước cổng. Đi liền sau đó là xe tăng 390 của chúng tôi".
Khi thấy xe tăng của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận dừng lại phía trước, lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập hỏi xin ý kiến của Đại đội trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn. Không chần chừ, ông Toàn ra nhiệm vụ cho ông Tập: "Chú tông thẳng vào!".
Nhận lệnh, lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập liền chuyển xe sang hướng cổng chính diện, tăng ga, húc tung cánh cổng chính Dinh Độc Lập và tiến vào tiền sảnh của dinh này.
"Theo hợp đồng tác chiến, ai vào trước, đơn vị nào vào trước, dù có hy sinh cũng phải cắm cờ. Tôi cầm cờ, định nhảy xuống thì đồng chí Lê Văn Phượng báo rằng anh Thận cầm cờ chạy đằng sau rồi. Tôi nhanh chóng túm lấy khẩu AK trên xe rồi nhảy xuống để chi viện và bảo vệ cho anh Thận lên cắm cờ", ông Vũ Đăng Toàn kể lại.
Trưởng xe tăng 390 nói tiếp: "Chúng tôi chạy rất nhanh. Người đầu tiên chúng tôi gặp là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Ông thông báo Tổng thống vẫn còn sống và mời chúng tôi lên làm việc. Khi đến nội các, có khoảng trên dưới 60 người, họ rất sợ khi nhìn thấy quân giải phóng chúng tôi cầm súng bước vào".
Sau khi có chỉ huy đến nói chuyện với Dương Văn Minh và đưa ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, ông Toàn cùng đồng đội ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ dinh. Khoảng một tiếng sau, Đại đội 4 của ông nhận lệnh ra cảng Bạch Đằng bảo vệ cảng, bảo vệ kho hàng của chính quyền Sài Gòn. Ở đó chừng 4-5 hôm, đại đội rút về tổng kho Long Bình, sửa chữa xe, lau chùi súng pháo, bổ sung đạn dược, xăng dầu... sẵn sàng chiến đấu nếu có tổ chức nổi dậy.
"Tuy không cùng mẹ, nhưng có thể giỗ cùng ngày"
Chia sẻ về cảm xúc vỡ òa của ngày chiến thắng, lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập nói: "Không đơn giản mà xe tăng của ta tới cổng Dinh Độc Lập ngay được. Đã có bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh để cho chúng tôi tiếp cận được cổng Dinh Độc Lập".

Trung sĩ Nguyễn Văn Tập, Trung úy Vũ Đăng Toàn và Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên (từ trái qua phải) tại một sự kiện tại Dinh Độc Lập vào tháng 4/2025.
Ông Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1 xe tăng 390, cảm nhận ông và đồng đội là những người may mắn, được lịch sử ưu ái chọn là chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cổng Dinh Độc Lập. Hình ảnh này đại diện cho sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đại diện cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
"Chúng tôi tuy không phải là một mẹ sinh ra, mỗi người một quê nhưng chúng tôi có thể giỗ cùng một ngày. Chúng tôi vẫn vui vẻ và trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt. 50 năm qua, chúng tôi có cưới xin, vui buồn đều có nhau. Đấy là một tình cảm rất thân thiết. Xe tăng của chúng tôi là T59, chỉ có 4 người thôi. Chúng tôi gắn bó khăng khít với nhau dù là trong thời chiến hay thời bình", ông Ngô Sỹ Nguyên chia sẻ.
20 năm sau ngày đất nước thống nhất, 4 thành viên của kíp xe tăng mới có dịp tái hội ngộ một lần nữa, sau khi đạo diễn Việt Tùng làm nên bộ phim “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy”. Vào năm 2016, khi ông Lê Văn Phượng qua đời, những người đồng đội xe tăng 390 đã túc trực ba ngày trong đám tang. Kể từ đó, trong họ luôn có cảm giác mất mát, trống vắng khi người đồng đội cũ từng gắn bó không còn nữa…
Về chiếc xe tăng huyền thoại 390, kể từ năm 1999, xe đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Tăng thiết giáp. Năm 2012, xe tăng 390 đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia. Được biết, chiếc xe này sẽ được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trong thời gian tới.