Koji lỗ kỷ lục, dự phòng khó đòi bào mòn vốn
CTCP Đầu tư tài sản Koji (mã KPF) đang đối diện với giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động khi lần đầu báo lỗ với con số kỷ lục, kéo theo nguy cơ mất vốn.
Không có doanh thu, lỗ kỷ lục
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa có thông báo về việc đưa cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư tài sản Koji vào diện đình chỉ giao dịch, do đã quá 6 tháng so với thời hạn quy định, Công ty chưa nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.
Trước đó, cổ phiếu KPF bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/9/2024, sau đó là hạn chế giao dịch từ ngày 11/10/2024, do việc chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.
Ngoài nội dung trên, hoạt động kinh doanh của Koji thời gian qua cũng là vấn đề đáng lo ngại đối với các cổ đông nắm giữ cổ phiếu KPF.
Báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy, Koji tiếp tục ghi nhận quý thứ 7 liên tiếp không có doanh thu (từ quý II/2023). Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính quý IV/2024 giảm 30% so với cùng kỳ, còn 9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý IV/2024 giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 756 triệu đồng, đã giúp Koji lãi ròng gần 7 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số lỗ hơn 26 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Koji cho biết, lợi nhuận tăng là do Công ty dự thu lãi đầu tư trái phiếu.
Mặc dù ghi nhận lãi sau thuế 6,6 tỷ đồng trong quý IV/2024, nhưng lũy kế cả năm 2024, Koji vẫn lỗ khủng gần 277 tỷ đồng. Như vậy, năm 2024 là năm đầu tiên Koji ghi nhận lỗ, song đáng nói là tổng lợi nhuận ròng của Koji trong cả giai đoạn 2012 - 2023 cũng chỉ đạt gần 267 tỷ đồng. Với khoản lỗ kỷ lục này, toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế 142 tỷ đồng không những bị “bốc hơi”, mà còn khiến Koji lỗ lũy kế gần 135 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024.
Nguy cơ mất vốn hiện hữu
Tại thời điểm ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Koji giảm mạnh 34% so với đầu năm, xuống còn hơn 532 tỷ đồng, do Công ty tăng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên gần 324 tỷ đồng, gấp 9,5 lần đầu năm.
Trong danh sách trích lập dự phòng phải thu khó đòi, có sự xuất hiện của 2 cá nhân là ông Nguyễn Khánh Toàn (trùng tên với cựu Chủ tịch KPF - người bị khởi tố vì hành vi thao túng chứng khoán) nợ Công ty hơn 71 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Thủy gần 24 tỷ đồng. Ngoài ra, Koji còn ghi nhận trích lập dự phòng phải thu khó đòi đối với Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm 91 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với đầu năm; Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu gần 80 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ và Công nghiệp Bình Dương gần 57 tỷ đồng…
Phần lớn tài sản của Koji là khoản đầu tư tài chính, bao gồm góp vốn vào các công ty liên kết và đầu tư trái phiếu. Cụ thể, đầu tư 144 tỷ đồng vào CTCP TTC Deluxe Sài Gòn, nhưng dự phòng 17 tỷ đồng; đầu tư 200 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Châu Việt (dự phòng 151 triệu đồng). Ngoài ra, Koji đang nắm giữ gần 65 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư nông nghiệp sạch Phú Son; 86,4 tỷ đồng trái phiếu Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Công ty tại thời điểm ngày 31/12/2024 là 16,5 tỷ đồng, tăng 21%. Trong đó, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước gần 14 tỷ đồng và 2 tỷ đồng phải trả cho người lao động. Công ty không ghi nhận các khoản nợ thuê tài chính.
Trong văn bản giải trình ngày 21/1/2025 về phương án khắc phục cổ phiếu bị cảnh báo, Koji cho biết, Công ty đã đạt được một số kết quả tài chính tích cực trong quý IV/2024, bao gồm tiến triển trong việc thu hồi nợ và kỳ vọng lợi nhuận từ các khoản đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, Koji cũng thừa nhận việc phải trích lập dự phòng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung.
Về giải pháp, Koji đưa ra lộ trình hai giai đoạn. Theo đó, trong giai đoạn I (quý I/2025 - quý III/2025) sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch thu hồi nợ, rà soát và tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện tại. Giai đoạn II (quý III/2025 - cuối năm 2025) sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và triển khai các dự án tiềm năng.
Dù đã có kế hoạch tái cấu trúc, nhưng khả năng thực hiện của Koji vẫn là một dấu hỏi lớn. Việc thu hồi công nợ, đặc biệt từ các cá nhân và tổ chức có liên quan, có thể gặp khó khăn nếu không có biện pháp pháp lý hiệu quả. Ngoài ra, Koji chưa công bố rõ ràng các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà Công ty sẽ tập trung trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, việc cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của Công ty trong tương lai.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/koji-lo-ky-luc-du-phong-kho-doi-bao-mon-von-d248169.html