Tập đoàn tỷ phú Warren Buffet giữ 'núi' tiền mặt hơn 334 tỷ USD
Berkshire Hathaway lãi kinh doanh tăng 71% trong quý IV/2024, nhưng vẫn bán ròng cổ phiếu và giữ hơn 300 tỷ USD tiền mặt, phản ánh chiến lược phòng thủ của Warren Buffett.

Dù nổi tiếng với danh mục đầu tư khôn ngoan, tỷ phú Warren Buffett hiện ưu tiên giữ tiền mặt hơn là mở rộng danh mục đầu tư cổ phiếu. Ảnh: CNBC.
Tập đoàn do tỷ phú Warren Buffett lãnh đạo - Berkshire Hathaway - ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, bao gồm thu nhập từ các công ty con tăng vọt 71% lên 14,5 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm 2024.
Thành công này chủ yếu nhờ mảng bảo hiểm, tăng "phi mã" 302% lên 3.409 tỷ USD. Thu nhập đầu tư từ bảo hiểm của tập đoàn cũng tăng gần 50%, đạt 4.088 tỷ USD. Tính cả năm 2024, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Berkshire đạt 47,4 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước.
"Năm 2024, dù 53% công ty con giảm lợi nhuận, kết quả kinh doanh Berkshire vẫn vượt kỳ vọng nhờ thu nhập đầu tư tăng mạnh khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao, đồng thời công ty mở rộng nắm giữ chứng khoán ngắn hạn thanh khoản cao. Mảng bảo hiểm cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể, đặc biệt là nhờ vào sự phục hồi của GEICO", tỷ phú Buffett viết trong thư thường niên gửi cổ đông.
Phía sau "núi" tiền hơn 334 tỷ USD
Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2024, Berkshire Hathaway đang nắm giữ "núi" tiền mặt lên tới 334,2 tỷ USD, tăng từ mức 325,2 tỷ USD vào cuối quý III. Đây là số dư tiền mặt cao kỷ lục mà tập đoàn đầu tư này từng nắm giữ.
Việc Berkshire Hathaway nắm giữ lượng tiền mặt khổng lồ tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi, nhất là trong bối cảnh lãi suất dự kiến giảm sau nhiều năm ở mức cao.
Trong những năm gần đây, tỷ phú Warren Buffett đã nhiều lần bày tỏ thất vọng với mức định giá đắt đỏ của thị trường chứng khoán cũng như hạn chế của các cơ hội đầu tư. Điều này khiến giới đầu tư và các nhà phân tích không khỏi tò mò về chiến lược của "nhà tiên tri xứ Omaha".
Trong thư gửi cổ đông, Buffett bảo vệ chiến lược giữ lượng tiền mặt lớn của Berkshire.
"Dù bị cho là giữ tiền mặt nhiều bất thường, Berkshire vẫn chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu. Dù giá trị danh mục niêm yết giảm từ 354 tỷ USD xuống 272 tỷ USD trong năm 2024, giá trị danh mục chưa niêm yết lại tăng nhẹ và vẫn vượt trội", Buffett giải thích.

5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư chứng khoán của Berkshire (tính đến 30/9). Ảnh: WSJ.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một chiến lược phòng thủ rõ ràng của vị tỷ phú chứng khoán. Trong quý IV/2024, Berkshire ghi nhận lợi nhuận đầu tư chỉ đạt gần 5,2 tỷ USD, giảm mạnh so với mức gần 29,1 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh xu hướng giảm dần các khoản đầu tư cổ phiếu của tập đoàn.
Dữ liệu tài chính cho thấy Berkshire đã bán ròng cổ phiếu trong quý IV/2024, đánh dấu quý thứ 9 liên tiếp tập đoàn cắt giảm danh mục đầu tư cổ phiếu. Tổng cộng, tập đoàn đã bán hơn 134 tỷ USD cổ phiếu trong năm 2024, trong đó Apple và Bank of America là hai mã bị xả mạnh nhất.
Đáng nói, Buffett dường như cũng không còn "mặn mà" với chính cổ phiếu Berkshire khi tập đoàn tiếp tục tạm dừng hoạt động mua lại cổ phiếu trong quý IV/2024 và quý I/2025 (tính đến 10/2).
Kết quả là tổng lợi nhuận của Berkshire Hathaway trong quý cuối năm ngoái đạt gần 19,7 tỷ USD, giảm 47% so với 37,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng cả năm 2024 cũng giảm gần 8%, xuống còn 89 tỷ USD so với 96,2 tỷ USD năm 2023.
Dù liên tục cắt giảm danh mục đầu tư cổ phiếu, Buffett vẫn khẳng định rằng Berkshire không có ý định rời xa thị trường chứng khoán: "Cổ đông Berkshire có thể yên tâm rằng chúng tôi luôn ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu, chủ yếu là cổ phiếu Mỹ, và không bao giờ chọn giữ tiền mặt thay vì sở hữu những doanh nghiệp tốt".
"Án binh bất động"
Buffett tiếp tục duy trì thận trọng ngay cả khi thị trường chứng khoán Mỹ có hai năm tăng trưởng mạnh, với S&P 500 tăng hơn 20% mỗi năm.
Tuy nhiên, những lo ngại về suy thoái kinh tế, biến động chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump và mức định giá cổ phiếu cao đã bắt đầu gây áp lực lên thị trường.
Cổ phiếu Berkshire đã tăng 25% và 16% trong 2 năm qua, và tiếp tục nhích thêm 5% từ đầu năm 2025 đến nay. Trong thư gửi cổ đông, Buffett ngụ ý về sự thận trọng của mình: "Gần đây, thị trường không có gì hấp dẫn cả. Chúng tôi hiếm khi thấy các cơ hội vây quanh mình".
Buffett cũng ghi nhận khả năng chọn cổ phiếu của người kế nhiệm Greg Abel, so sánh ông với cố cộng sự Charlie Munger. Tại cuộc họp cổ đông năm ngoái, Buffett tuyên bố Abel - Phó chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh phi bảo hiểm - sẽ có tiếng nói cuối cùng trong các quyết định đầu tư, bao gồm việc giám sát danh mục đầu tư cổ phiếu.
Giới đầu tư và chuyên gia không cho rằng sự thận trọng của Buffett năm ngoái là lời cảnh báo thị trường. Thay vào đó, ông có thể đang "dọn đường" cho Abel, cắt giảm các vị thế lớn và tích lũy tiền mặt để người kế nhiệm sử dụng trong tương lai.
Đáng chú ý, dù giảm đầu tư vào cổ phiếu Mỹ, Buffett lại đẩy mạnh rót vốn vào 5 tập đoàn thương mại Nhật Bản. Ông khẳng định Berkshire sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty này.
Điều này phản ánh chiến lược giữ thế phòng thủ, chờ cơ hội thực sự hấp dẫn và chuẩn bị cho kỷ nguyên mới dưới thời Greg Abel.