KOL thu về triệu USD chỉ nhờ đăng ảnh 'mặc gì hôm nay'
OOTD (trang phục hàng ngày) là một xu hướng sáng tạo nội dung, có khả năng duy trì sức hút trên mạng xã hội, giúp các nhãn hàng, KOL kiếm bộn.
Tháng 5/2023, Giám đốc thương hiệu Yuri Kim đăng tải video về trang phục của bố mẹ cô lên mạng xã hội. Ngay sau đó, bộ đôi lớn tuổi Aki (73 tuổi) và Koichi Kim (75 tuổi) thường xuyên cập nhật hình ảnh OOTD (trang phục hàng ngày) trên trang cá nhân.
Cặp vợ chồng nhanh chóng đạt 915.000 lượt theo dõi trên Instagram và 318.000 người theo dõi ở nền tảng TikTok. Video phổ biến nhất của họ đạt 10 triệu lượt xem.
Gia đình Kim là một trong số hàng triệu nhà sáng tạo nội dung thường xuyên đăng tải hình ảnh, clip "hôm nay mặc gì" lên mạng xã hội. Trong khi nhiều xu hướng nội dung nhanh chóng thoái trào, OOTD vẫn là một định dạng phổ biến.
Hashtag #OOTD đặt 21,3 triệu bài đăng trên TikTok. Năm 2018, ngôi sao truyền hình thực tế Stassi Schroeder đã chi 40.000 USD để tổ chức “Ngày OOTD quốc gia” vào ngày 30/6, theo Vogue Business.
Nội dung ‘hái ra tiền’
Theo Éloïse Gendry-Hearn, chuyên gia kỹ thuật số tại công ty sáng tạo The Digital Fairy, hình ảnh tĩnh từng phổ biến trên Instagram vào những năm 2010, song không còn thịnh hành trong những năm gần đây. Video ngắn được đăng tải trên TikTok thay thế định dạng cũ.
“Nội dung OOTD đặc biệt phù hợp với hình thức video. Các nhà sáng tạo nội dung có thể dễ dàng đặt điện thoại ở nhiều vị trí, quay clip hôm nay mặc gì trong vài phút”, Éloïse Gendry-Hearn nói.
Theo Verity Parker, người sáng lập công ty TBH Talent, mỗi người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đều có cá tính riêng, đem đến những góc chụp khác nhau, thể hiện sự sáng tạo trong các video OOTD, gia tăng sức sống cho trào lưu này.
Xu hướng nội dung này cũng giúp những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội trong lĩnh vực thời trang gia tăng thu nhập. KOL Trung Quốc Zheng XiangXiang gần đây kiếm được 13 triệu USD trong một tuần khi quảng cáo các sản phẩm giá cả phải chăng trên TikTok.
Sự thịnh hành của trào lưu OOTD đến từ sự tò mò của người dùng mạng xã hội về cuộc sống hàng ngày của các ngôi sao, người có sức ảnh hưởng. Nhu cầu biết về lối sống của người nổi tiếng xuất hiện từ trước khi mạng xã hội trở nên phổ biến.
Rủi ro của nội dung OOTD
Theo Éloïse Gendry-Hearn, các nhãn hàng đặc biệt thích nội dung OOTD. Trong các clip này, sản phẩm có thể được các nhà sáng tạo nội dung giới thiệu một cách tinh tế, không tạo ra cảm giác khó chịu cho người xem.
Người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy những người có sức ảnh hưởng sở hữu dáng người giống họ, học hỏi theo sự lựa chọn tiêu dùng của các sao mạng. Đây là hướng tiếp thị dễ dàng tiếp cận nhóm khách hàng Gen Z.
Tuy nhiên, nội dung OOTD không đảm bảo sự thành công 100% cho thương hiệu. Lauren Stretch, Giám đốc tiếp thị xã hội của thương hiệu chăm sóc da Facetheory, từng trả cho một người có sức ảnh hưởng 60.000 USD. Trong khi đó, người này chỉ đem về doanh thu 28 USD.
Theo Brenda Weischer, biên tập viên của công ty thời trang 032c, công chúng thường bất ngờ trước mức giá cao của các ngôi sao mạng. Những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội chưa có thang đo để xây dựng báo giá phù hợp.
Ở chiều ngược lại, nhiều influencer cho biết khoản thù lao mà họ nhận được không xứng đáng với công sức bỏ ra. Trong khi thương hiệu có thể tiếp tục gia tăng doanh thu từ nội dung do họ sáng tạo, những sao mạng này chỉ nhận được một khoản phí ban đầu.
Tuy nhiên, các nền tảng thương mại điện tử trung gian đã thu hẹp khoảng cách giữa thù lao của người sáng tạo và doanh thu của nhãn hàng. KOL giờ đây có thể nhận 8-20% doanh số bán của một sản phẩm mà họ quảng cáo.