Kon Tum chủ động ngăn chặn bệnh bạch hầu bùng phát
Từ đầu năm 2020 đến ngày 30/11, toàn tỉnh Kon Tum ghi nhận 50 trường hợp mắc bệnh bạch hầu và đã có một ca tử vong tại huyện Sa Thầy. Hiện, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân và chủ động phòng, chống không để dịch bệnh bùng phát mạnh trên địa bàn.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum Võ Văn Thanh cho biết, ngành Y tế đã tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch bạch hầu; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát hoạt động tại cơ sở; đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến. Từ đó, làm giảm số ca mắc, tử vong do bệnh bạch hầu gây ra, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân trên địa bàn.
Ngành Y tế đã triển khai tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu giai đoạn 1 tại 26 xã của 6 huyện, thành phố có ca bệnh, với trên 265.000 đối tượng đã được tiêm, đạt 94%. Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đang tiếp tục cung ứng thêm 300.000 liều vaccine phòng bệnh bạch hầu để tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng đợt 2, 3 tại 76 xã còn lại.
Thời gian tới, dự báo trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch bạch hầu nếu người dân vẫn còn tâm lý lơ là, chủ quan. Do đó, Sở Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện vệ sinh nhà cửa và rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người dân phải báo cáo chính quyền địa phương hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ nên đến các trạm y tế để tiêm ngừa đúng lịch nhằm phòng bệnh có hiệu quả.
Theo thống kê, số ca mắc bạch hầu trên địa bàn tỉnh tập trung tại các huyện Sa Thầy (15 ca), Đăk Tô (14 ca), Đăk Hà (9 ca), Kon Rẫy (6 ca) và thành phố Kon Tum (6 ca). Phần lớn trường hợp mắc bệnh có độ tuổi cao do không có hệ miễn dịch đối với bệnh này. Đặc biệt, điều kiện vệ sinh và ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân ở các xã vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn hạn chế nên rất dễ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh.