Kon Tum: Chú trọng nâng cao thể trạng, sức khỏe người dân tộc thiểu số
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều năm qua, Kon Tum đã tích cực chăm lo sức khỏe cho đồng bào, tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại...
Khi bác sĩ về với bản làng
Nhằm thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Dự án 7) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, từ nhiều tháng nay Bệnh viện mắt Kon Tum phối hợp với Hội cao tuổi thường xuyên đến các thôn làng dân tộc thiểu số tổ chức khám sàng lọc bệnh lý về mắt miễn phí cho người dân. Điều này khiến bà con hết sức phấn khởi.
Cùng với việc đến tận thôn làng dân tộc thiểu số khám sàng lọc bệnh về mắt cho người dân, với những bệnh thông thường, bác sỹ Bệnh viện mắt Kon Tum thực hiện phát thuốc miễn phí cho người dân. Với những trường hợp bệnh nặng, bệnh lý phức tạp tư vấn, hướng dẫn để người dân tới cơ sở y tế chữa trị kịp thời.
Đặc biệt, qua quá trình về tận nơi trực tiếp khám sàng lọc. các bác sĩ Bệnh viện Mắt Kon Tum nhận ra rằng đa số người già vùng dân tộc thiểu số từ trước tới nay trước đây hầu như chưa đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh về mắt, đối tượng đau mắt, bệnh mắt thường rơi vào người nghèo, người không có khả năng đi chữa bệnh.
Vì thế, để hỗ trợ bệnh nhân điều trị các bệnh về mắt, từ nay đến năm 2025, Bệnh viện Mắt Kon Tum thực hiện chương trình mổ mắt miễn phí 100% cho người có hoàn cảnh khó khăn và người dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, tất cả trẻ em có dị tật về mắt có hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ được phẫu thuật miễn phí 100%, không phân biệt mức % thanh toán của thẻ Bảo hiểm y tế.
Trước đó, đầu tháng 10/2023, Thực hiện dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số thuộc khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, ngày 7-10, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) phối hợp với các đoàn thiện nguyện TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình thiện nguyện vì sức khỏe cộng đồng và tiếp sức cho các em đến trường, tặng quà, khám bệnh cho hàng ngàn người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các bác sĩ trong đoàn thiện nguyện còn tổ chức khám bệnh tầm soát, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng trăm người dân thuộc gia đình chính sách, người có công, người dân nghèo, người khuyết tật trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có nhu cầu; tổ chức cắt tóc, các "Gian hàng 0 đồng" và các hoạt động thiện nguyện khác để phục vụ người dân....
“Việc huyện mời gọi đoàn từ thiện về tặng quà, khám chữa bệnh lần này cũng nhằm mục đích chăm lo cho thế hệ trẻ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua chương trình, huyện mong các em có điều kiện học tập tốt hơn, còn người dân được các bác sĩ có chuyên môn cao thăm khám, điều trị bệnh, giúp sức khỏe được đảm bảo. Ước tính, khoảng 2.000 người dân trên địa bàn được hưởng lợi từ chương trình này. Đây là chương trình từ thiện lớn nhất huyện kêu gọi được từ trước đến nay”, Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết.
Đó là hai trong rất nhiều những hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân tộc thiểu số được tỉnh Kon Tum hết sức chú trọng thời gian qua và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đồng bào vùng dân tộc thiểu số có thêm cơ hội để tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe.
Nâng cao thể trạng, sức khỏe nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là vấn đề chiến lược lâu dài
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số (DTTS) theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ gắn với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án, tiểu dự án về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Kon Tum coi nâng cao thể trạng, sức khỏe nguồn nhân lực các DTTS là vấn đề chiến lược lâu dài, gắn với chiến lược về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển đa dạng, toàn diện đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS tại địa phương.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, duy trì giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người DTTS xuống dưới 35,5‰ và tuổi thọ bình quân của người DTTS bằng hoặc trên 67 tuổi. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi) xuống dưới 32% ; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) xuống dưới 21,3%.
Đến năm 2030, duy trì giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người DTTS xuống dưới 40‰ và tuổi thọ bình quân của người DTTS bằng hoặc trên 70 tuổi. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi) xuống dưới 30%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) xuống dưới 15,8%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kon Tum tập trung thực hiện các chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho đồng bào các DTTS, trong đó đảm bảo tiêu chí, chỉ tiêu nâng cao thể lực và tầm vóc nhân lực các DTTS, góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.
Tỉnh cũng ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến nâng cao sức khỏe, y tế cho đồng bào người DTTS. Tăng cường công tác truyền thông, khả năng tiếp cận và cung cấp dịch vụ y tế, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe, thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo người DTTS sinh con đúng chính sách dân số.
Trong đó, tỉnh sẽ quan tâm thực hiện một số chính sách cụ thể như: Bảo hiểm y tế, nâng cấp về hệ thống y tế và phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, phổ biến sâu rộng chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, chính sách tiêm chủng, dinh dưỡng và an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời ưu tiên đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ y tế là người đồng bào DTTS, cán bộ y tế công tác tại các tuyến xã và đào tạo chuẩn hóa đội ngũ nhân viên ý tế thôn, làng; đào tạo cô đỡ thôn, bản cho các thôn còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản.