Kon Tum: Cựu lính hải quân thu nhập tiền tỷ nhờ nghề đón 'lộc trời'

Rời quân ngũ, cựu lính hải quân Đặng Xuân Hùng chọn mảnh đất Tây Nguyên tập tành với nghề đón 'lộc trời' – nuôi yến. Sau nhiều năm dấn thân vào ngành, đến nay anh đã thành lập công ty cùng thương hiệu yến quy mô tại Kon Tum, thu về trên 1 tỷ mỗi năm.

Anh Đặng Xuân Hùng sinh ra và lớn lên ở tỉnh Phú Thọ. Khi vừa tròn 20 tuổi, anh bước chân vào hải quân bảo vệ vùng biển của Tổ quốc ở phía Nam. Trong thời gian ở trong quân ngũ, chàng trai trẻ được đơn vị cho đi giao lưu với người dân ở các tỉnh miền Tây. Cùng với tính tình vui vẻ, hoạt bát và ham học hỏi, người lính trẻ bắt đầu để ý, tìm hiểu về nghề nuôi chim yến.

Nhiều năm sau, anh rời quân ngũ về tỉnh Kon Tum sinh sống và lập gia đình. Thời gian đầu, anh Đặng Xuân Hùng không đến với nghề nuôi yến ngay mà cùng vợ làm đủ nghề để trang trải cuộc sống. Trong khoảng thời gian này, anh cũng tự tìm hiểu và tích lũy kinh nghiệm nuôi yến.

 Anh Đặng Xuân Hùng cùng với sản phẩm chế biến sâu từ tổ yến

Anh Đặng Xuân Hùng cùng với sản phẩm chế biến sâu từ tổ yến

Chia sẻ với PV, anh Hùng bộc bạch: “Ngày rời quân ngũ về Kon Tum sinh sống và lấy vợ, 2 vợ chồng làm đủ nghề từ làm công, thợ xây, buôn bán…Tuy nhiên, trong suy nghĩ mình luôn ấp ủ mong muốn có thể đến với nghề nuôi yến, nhưng vì chưa có kinh nghiệm, vốn liếng nên mình đành gác lại ước mơ.

Cũng vì cuộc sống khó khăn nên thời gian sau đó, gia đình phải chuyển xuống Khánh Hòa sinh sống. Chính thời gian sinh sống ở xứ sở yến tôi đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nghề cũng như tích lũy kinh nghiệm nuôi yến. Có những hôm lang thang đến các cơ sở nuôi chim yến mà quên cả đường về”.

Cùng với vốn kiến thức đã học được ở xứ sở yến Khánh Hòa, anh Hùng khăn gói trở lại Kon Tum và bắt đầu lên kế hoạch cho sự nghiệp nuôi chim yến của mình. Đầu tiên anh thuê những đơn vị, chuyên gia có kiến thức về nghề nuôi chim yến, cách làm nhà yến, khảo sát vùng thức ăn, cách chăm sóc và gọi chim về.

 Tổ yến được phơi và định hình sau khi sơ chế

Tổ yến được phơi và định hình sau khi sơ chế

Khi đã chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên, năm 2017 cùng với số vốn ít ỏi, anh Hùng đã mạnh dạn vay thêm ngân hàng, đầu tư xây dựng ngôi nhà yến đầu tiên của mình. Sau khi gọi yến về thành công ở ngôi nhà thứ nhất, anh bàn bạc với vợ xây ngôi nhà thứ 2.

Ngoài sở hữu 2 nhà yến, ông Hùng còn liên kết với 21 hộ gia đình khác để tiêu thụ yến thô và các sản phẩm yến chế biến tinh. Đến nay gia đình ông Hùng đã bỏ ra nhiều tỷ đồng đầu tư nhà yến, xây phân xưởng chế biến sâu.

“Bắt tay vào làm rồi mới thấy, nuôi yến khó thật. Nhiều người nói, nuôi yến dễ lắm vì không cần phải lo lắng việc lựa chọn con giống cũng như nguồn thức ăn vì sáng sớm chim yến đi kiếm ăn, chiều tối mới quay trở về tổ. Nhưng đâu có dễ vậy, phải tuân thủ những quy trình kỹ thuật rất khắt khe. Muốn thu hút chim yến về ở nhiều và nhanh, nhà nuôi yến phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu", anh Hùng chia sẻ.

 Anh Hùng tiến hành phơi các loại nguyên liệu phụ để kết hợp với yến thô tạo thành sản phẩm nước yến sâm Kon Tum

Anh Hùng tiến hành phơi các loại nguyên liệu phụ để kết hợp với yến thô tạo thành sản phẩm nước yến sâm Kon Tum

Theo anh Hùng, điển hình là việc nhà nuôi yến phải thoáng, không nóng, phòng không lọt sáng, ngăn phòng hợp lý, tạo đường bay độc lập… Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên, yến có về thì cũng sẽ đi, bởi không phải ai nuôi yến cũng thành công. Nói chung phải chịu khó học hỏi, tích lũy thật nhiều kinh nghiệm từ chuyên gia, nhà khoa học… thì mới nên thử nghiệm.

Cùng với kinh nghiệm có được và nhu cầu thực tế, tháng 4/2020, Đặng Xuân Hùng đã quyết định thành lập Công ty TNHH Yến sào Kon Tum và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Yến sào Kon Tum lên Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Đến nay Công ty TNHH Yến sào Kon Tum đã có 6 loại sản phẩm thực phẩm được chế biến sâu từ tổ yến dùng cho trẻ em, người lớn.

Để sản phẩm yến sào đến gần hơn với người tiêu dùng, Công ty TNHH Yến sào Kon Tum còn tích cực tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp và hình thức phù hợp, các sản phẩm yến chưng Kon Tum, yến tinh chế và nước yến sâm Kon Tum của công ty đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

 Đến nay Công ty TNHH Yến sào Kon Tum của anh Hùng đã có 6 loại sản phẩm thực phẩm được chế biến sâu từ tổ yến

Đến nay Công ty TNHH Yến sào Kon Tum của anh Hùng đã có 6 loại sản phẩm thực phẩm được chế biến sâu từ tổ yến

Chia sẻ về định hướng sắp tới, anh Hùng cho hay: “Hiện mỗi tháng cơ sở sản xuất gần 6 tấn thành phẩm, thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng công suất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và đơn hàng từ phía nước bạn. Theo dự kiến, tháng 6 này, chúng tôi sẽ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là một nỗ lực lớn của doanh nghiệp, cùng các sở ban ngành của địa phương giúp ngành yến của địa phương ngày một phát triển hơn”.

Theo ông Võ Duy Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Kon Tum, mô hình khởi nghiệp của ông Hùng rất thành công và mang lại nhiều cảm hứng cho người dân và các doanh nghiệp. Nó không chỉ định vị được thương hiệu sản phẩm cho địa phương mà còn kích thích ngành này mở rộng trong cả tỉnh”.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kon-tum-cuu-linh-hai-quan-thu-nhap-tien-ty-nho-nghe-don-loc-troi-post300532.html