Kon Tum: Giáo dục thế hệ trẻ về Chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta. Trân trọng và tự hào về thành quả mà thế hệ cha ông đã phải đổ máu xương mới giành lại được, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã lồng ghép nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này.
Những ngày này, hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tiết học Lịch sử của các em học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám, thị trấn Đăk Hà trở nên sống động hơn. Để làm phong phú nội dung diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ, thầy Trịnh Văn Tài, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thông tin từ hệ thống dữ liệu chính thống về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; thông tin, hình ảnh, video về bối cảnh lịch sử, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại.
“Ở trên các trang mạng, trên dữ liệu lịch sử từ các trang chính thống của Nhà nước và của các tổ chức chính trị-xã hội được phép thì có rất nhiều những video, hình ảnh chân thực, sống động về chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi chúng tôi chiếu lên thì các em có cái hứng thú hơn trong việc tiếp cận và học lịch sử. Từ đó, thấm thía và biết ơn những Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để cho các em có quyền tự do học tập trong môi trường như ngày hôm nay”, thầy Tài cho biết.
Với phương pháp giáo dục lịch sử thông qua các câu chuyện, hình ảnh chân thực, các em học sinh dễ dàng tiếp cận và hiểu đúng, hiểu đủ hơn về về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua đó, giáo dục cho thiếu nhi về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước; về vai trò, tầm quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ với sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại.
Em Lê Hà Bảo Hân, lớp 5D, Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết: Cháu biết được Chiến dịch Điện Biên Phủ chia làm 3 đợt. Đó là trận đồi Him Lam, trận Bản Kéo và Đồi Độc lập. Rồi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13/3/1954 và kết thúc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954. Các thông tin này thì cháu biết được do các thầy cô giáo dạy cho cháu và cháu cũng tìm hiểu thêm từ sách báo. Để cháu biết được các chiến sĩ của chúng ta đã phải hi sinh để có được nền độc lập tự do như ngày hôm nay. Từ đó, chúng cháu có ý thức học tập môn lịch sử một cách nghiêm túc hơn.
Được biết, để củng cố, bổ sung kiến thức giúp các em học sinh hiểu đúng về giá trị lịch sử, ý nghĩa của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành giáo dục huyện Đăk Hà đã phát động đợt thi đua cao điểm với nhiều hình thức như: thi vẽ tranh, trưng bày và thuyết trình sách về Điện Biên Phủ; tổ chức cho các em nói chuyện truyền thống; tham quan di tích lịch sử cách mạng… Khơi dậy trong các em niềm tự hào dân tộc, sự trân trọng hòa bình với lòng biết ơn sâu sắc, để các em tiếp tục phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là thế hệ viết tiếp truyền thống cha ông.
Theo đồng chí Tạ Ngọc Ngọ, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Hà, để nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn lịch sử nói chung, về tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trường học có thành lập các tổ chuyên môn, các nhóm trao đổi nghiệp vụ và chia sẻ thông tin từ các cơ sở dữ liệu từ các trang thông tin chính thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trang truyền thông chính thống. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường lồng ghép các nội dung giáo dục lịch sử thông qua các hoạt động ngoại khóa, tổ chức cho các em thăm các di tích lịch sử cách mạng trong và ngoài tỉnh… giúp việc truyền đạt kiến thức trở nên hấp dẫn, sống động hơn.
“Ngoài nền tảng kiến thức trong sách giáo khoa thì nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên tìm hiểu các cơ sở dữ liệu chính thống về lịch sử của Việt Nam để bổ sung nội dung giáo dục lịch sử cho các em học sinh. Giúp các em tương tác và tìm hiểu để làm phong phú hơn kiến thức của các em. Đồng thời qua các hoạt động, cũng giúp các em có hứng thú với bộ môn lịch sử”, thầy Ngọ nhấn mạnh.
Đồng chí Chu Văn Hiền, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đăk Hà, cho biết, hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã đã tham mưu cho Ban Thường vụ chương trình công tác cũng như ban hành hướng dẫn công tác giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương, của tỉnh và của đất nước cho các tổ chức cơ sở đảng. Đặc biệt là Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Thông qua đó, tổ chức tốt việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
“Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Kon Tum vinh dự đã làm nên chiến thắng quan trọng ở mặt trận Bắc Tây Nguyên, góp phần tiến đến chiến thắng lịch sử “Lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong niềm tự hào chung của dân tộc, huyện Đăk Hà cũng chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng về ý nghĩa của chiến cho các thế hệ đoàn viên, thanh niên và nhân dân nhân sự kiện tỉnh Kon Tum là một trong những điểm cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ (7/5/1954-7/5/2024)”, ông Hiền chia sẻ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử". Thắng lợi này là minh chứng hào hùng, sắc nét về tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện chính trị quan trọng, thông qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và tạo động lực để các em tiếp tục phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là thế hệ viết tiếp truyền thống cha ông.