Kon Tum lên kế hoạch thu hút khách từ 'tam giác phát triển'
Chiều 18/4, Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum, Hiệp hội Du lịch Việt Nam họp báo cung cấp thông tin về diễn đàn Du lịch Kon Tum.
Theo đó, tại buổi họp báo diễn ra tại Hà Nội, kế hoạch các hoạt động của Diễn đàn Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng đã được giới thiệu, trong đó có lễ Công bố kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kraté (Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong, Champasak (Lào); và 5 tỉnh của Việt Nam gồm có: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam).
Diễn đàn sẽ có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu là Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Kon Tum, Tổng cục Du lịch; Lãnh đạo một số Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở quản lý du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; chuyên gia du lịch, kinh tế; các tập đoàn, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển; cơ quan báo chí, truyền hình...
Sự kiện sẽ tập trung thảo luận về tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch tỉnh Kon Tum; các giải pháp để xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, tăng cường liên kết, đẩy mạnh thu hút khách tới tỉnh.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: "Tại Hội nghị thượng đỉnh 3 nước Việt Nam- Lào- Campuchia diễn ra vào tháng 11/2020 đã thông qua kế hoạch này.
Kế hoạch phát triển du lịch khu vực sẽ góp phần kết nối các tiềm năng du lịch của ba nước, hình thành các tuyến du lịch, kết nối các điểm đến, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực này và từ đó mở rộng ra các địa phương khác trong phạm vi ba nước. Đồng thời, thúc đẩy mục tiêu của khuôn khổ hợp tác là Tăng cường đoàn kết, hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam là khu vực có tài nguyên đa dạng, phong phú, tính đặc thù cao, có nhiều tài nguyên tương đồng nhưng vẫn khác biệt, vừa có khả năng hình thành tính đặc trưng cho Khu vực vừa có khả năng bổ trợ lẫn nhau để tăng cường tính hấp dẫn. Cả ba quốc gia đều là những điểm đến mới nổi, được nhiều thị trường khách du lịch quan tâm; là những điểm đến còn nhiều tiềm năng chưa khai phá".
Ông Hà Văn Siêu chia sẻ thêm: "Hầu hết các tài nguyên du lịch ở các tỉnh Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam đều còn ở dạng nguyên sơ, cả về tính đa dạng sinh học của tự nhiên lẫn tính nguyên bản của các giá trị văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số sinh sống. Tài nguyên du lịch nguyên sơ của Khu vực rất phù hợp với nhu cầu và xu thế của thị trường du lịch quốc tế.
Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Kon Tum đã bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, ngành du lịch Kon Tum đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để khởi động lại hoạt động du lịch và mở cửa đón du khách trong và ngoài nước. Sau Diễn đàn, hàng loạt các dự án đầu tư vào du lịch Kon Tum cũng như các sự kiện kích hoạt du lịch hy vọng sẽ làm tăng lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung".
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao vào Du lịch Kon Tum cho biết: "Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận về tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch tỉnh Kon Tum; các giải pháp để xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, tăng cường liên kết, đẩy mạnh thu hút khách tới Kon Tum. Từ các ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, tỉnh sẽ hoàn thiện các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng để thu hút khách đến với tỉnh và vùng Tây Nguyên trong thời gian tới".
"Trước dịch, tỉnh Kon Tum đã phát triển tour du lịch ở Lào, Thái Lan, được hai nước và du khách rất thích và đi khá nhiều. Sau hai năm du lịch bị "đóng băng", cửa biên giới tạm dừng hoạt động thì đến thời điểm này, Việt Nam cũng như các nước bạn đã mở cửa biên giới, hoạt động du lịch đã được khôi phục thì tour, tuyến này sẽ được tổ chức lại. Trong đó, Tuyến Ia Grai tỉnh Gia Lai sẽ mở cửa khẩu Đắk Cơ để sang Campuchia", Ông Bình cho hay.
Nhấn mạnh về tour, tuyến liên kết với hai nước bạn, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, điểm nhấn sản phẩm du lịch xuyên biên giới này sẽ là về văn hóa.
Ngoài lễ công kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác Campuchia – Lào – Việt Nam, Sở VH,TT&DL Kon Tum cũng cho biết, Tỉnh sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và điểm cao 875 lịch sử tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi; Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban tổ chức cũng công bố kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó là lễ công bố và giới thiệu logo và slogan du lịch tỉnh Kon Tum Trai nghiệm văn hóa - Khám phá thiên nhiên; các hoạt động ký kết hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các địa phương, hiệp hội, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Diễn đàn nằm trong chuỗi các sự kiện tháng 4 lịch sử, điểm nhấn các hoạt động tập trung diễn ra từ ngày 21-24/4/2022, trong đó có lễ đón nhận Bằng di tích Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm Cao 875 lịch sử tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi; Hội thảo khoa học nhân Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (do Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy Kon Tum chủ trì); Tổ chức chương trình Famtrip khảo sát, giới thiệu đầu tư, xây dựng tour, tuyến du lịch; kết nối với các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP với sự tham gi của hơn 250 doanh nghiệp lữ hành của các khu vực trên cả nước để tìm hiểu cơ hội đầu tư về du lịch trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai từ ngày 21-23/4/2022; Tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của tỉnh; Phiên chợ Sâm Ngọc Linh và các hoạt động quảng bá du lịch và các sản phẩm đặc hữu huyện Tu Mơ Rông năm 2022 từ ngày 24-26/4/2022 tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum...
Ông Lê Tuấn Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cho biết: Kon Tum là tỉnh Quỹ sẽ đồng hành hỗ trợ để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, liên kết vùng và quốc tế, trong đó tập trung phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Đồng thời cũng hỗ trợ tỉnh đào tạo nguồn nhân lực các khóa ngắn hạn phù hợp với địa phương.