Kon Tum lên kế hoạch thực hiện kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh
UBND tỉnh Kon Tum giao các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện 04 Quy hoạch ngành quốc gia đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050 trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.
UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Kế hoạch 4034/KH-UBND thực hiện kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum.
Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum nhằm triển khai các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản từ đó nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; từng bước chuyển dịch sản xuất công nghiệp từ khai thác sang ưu tiên chế biến sâu khoáng sản; chú trọng chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị nông sản; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, bền vững.
Chủ động kiểm tra, rà soát các quy hoạch, kế hoạch ngành đã được phê duyệt
Theo đó, đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh Kon Tum giao các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức thực hiện tốt hơn nữa công tác phổ biến, quán triệt, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các nghị định có liên quan về giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, các quy định mới về giảm 2% thuế VAT…
Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Kon Tum; UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền các chính sách mới được ban hành trong lĩnh vực năng lượng, như: cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu…; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn.
UBND tỉnh Kon Tum cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động kiểm tra, rà soát các quy hoạch, kế hoạch ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: (i) Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024; (ii) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch khoáng sản) được phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2023, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản được duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2024. Đồng thời, rà soát Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất của địa phương, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.
Khẩn trương triển khai thực hiện 04 Quy hoạch ngành quốc gia đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050 trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, bao gồm: (i) Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, (ii) Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, (iii) Quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt quốc gia, (iv) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho Quy hoạch năng lượng, khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đủ năng lực để triển khai, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Chú trọng phát triển năng lượng sạch và phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với lợi thế sẵn có của địa phương
Về tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, giao các đơn vị liên quan tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi, đồng thời áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả (như đầu tư công- quản trị tư, đầu tư tư- sử dụng công…) để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, hạ tầng khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và các khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: công nghiệp chế biến nông - lâm sản, dược liệu, nhất là phát triển công nghiệp chế biến sâu Sâm Ngọc Linh theo chuỗi từ sản xuất, trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Về phát huy thế mạnh lợi thế địa kinh tế và nguồn năng lượng sạch để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cho địa phương, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị chú trọng phát triển năng lượng sạch và phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với lợi thế sẵn có của địa phương để phục vụ các ngành công nghiệp thuộc các lĩnh vực như: Chế biến cao su, cà phê, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, chế biến dược liệu, khai thác khoáng sản, năng lượng… Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic và các lĩnh vực có tính kết nối trong chuỗi giá trị với các tỉnh, thành phố lân cận, đặc biệt là kết nối trong tam giác phát triển CLV để phát huy lợi thế về địa kinh tế của tỉnh. Phát huy lợi thế tiềm năng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió để phát triển các lĩnh vực công nghiệp năng lượng mới có giá trị gia tăng cao như sản xuất hydrogen xanh, ammoniac xanh, pin nhiên liệu… Bên cạnh đó, triển khai Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình phát triển công nghiệp đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 theo Quyết định số 2600/QĐ-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
UBND tỉnh Kon Tum giao Sở NN&PTNT chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các đối tượng liên quan tham gia thị trường hoán đổi chứng chỉ carbon, phát huy thế mạnh rừng và sản xuất nông nghiệp xanh của tỉnh. Phát triển và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ; vùng trồng áp dụng theo các quy trình, công nghệ sản xuất đạt chuẩn để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch, trong đó lưu ý đến quy trình chống phá rừng của Châu Âu (EUDR) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 03 mặt hàng chủ lực của tỉnh là cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Đối với công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa của địa phương, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa ở cả thị trường trong nước và quốc tế, triển khai có hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng. Quan tâm phát triển hạ tầng thương mại (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử); đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng thời cần chú trọng hỗ trợ xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương và tích cực hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các Hiệp định thế hệ mới để phát triển, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.