Kon Tum: Liên tiếp xảy ra hàng chục trận động đất trong một ngày

Chỉ trong một ngày, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, xảy ra hàng chục trận động đất.

Động đất liên tục

Trưa 21/8, tiến sĩ Vũ Xuân Anh, Viện Trưởng viện Vật lý Địa cầu cho biết, tiếp tục có thêm 3 trận động đất,tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo đó, lúc 7h33 ngày 21/8, một trận động đất có độ lớn 3.3, độ sâu khoảng 8.1 km xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Tiếp đó, lúc 7h59, tại toa độ 14.900N-108.180E thuộc khu vực Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra trận động đất có độ lớn 3.1, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Lúc 8h30, một trận động đất có độ lớn 3.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Anh Đinh Hồng Khoản, cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Kôi 2, xã Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết: "Trưa nay, anh em trạm đang ngồi nghỉ trưa, uống nước thì cảm nhận mặt đất có rung lắc trong vài giây. Chúng tôi cảm nhận động đất mạnh hơn những ngày thường, phần mái nhà cũng phát ra tiếng kêu ầm ầm".

Ông Nguyễn Văn Bay, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho hay: "Một số trận động đất lớn trong tháng 7 vừa qua đã gây nứt nhà dân. Đặc biệt là trận động đất mạnh 5.0 độ đã khiến người dân có tâm lý hoang mang, lo lắng.

Trong thời gian vừa qua, xã đã liên tục tổ chức tập huấn cho người dân về các phương án ứng phó với động đất dựa trên tài liệu của Viện Vật lý địa cầu. Sau khi được tập huấn về kiến thức động đất và cách ứng phó, người dân đã phần nào yên tâm hơn khi động đất xảy ra".

Nhiều trận động đất liên tục xảy ra trong một ngày tại huyện Kon Pông,tỉnh Kon Tum.

Nhiều trận động đất liên tục xảy ra trong một ngày tại huyện Kon Pông,tỉnh Kon Tum.

Trước đó, ngày 20/8, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 10 trận động đất, đa phần các trận động đất đều có độ lớn trên 3.0 độ richter, trận có cường độ lớn nhất là 4.2 độ richter

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn ghi nhận ít nhất hơn 215 trận động đất, trong đó tháng 7 ghi nhận khoảng 80 trận. Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận từ đầu năm 2024 đến nay có độ lớn 5.0, gây rung lắc tại nhiều tỉnh, thành của miền Trung - Tây Nguyên.

Động đất kích thích

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn.

Trước và sau một trận động đất lớn thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.

"Hiện tại chưa thể dự báo được khi nào tình trạng động đất này sẽ kết thúc. Hiện tượng động đất kích thích do xây dựng hồ thủy điện là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam không riêng khu vực huyện Kon Plông mà các thủy điện ở khu vực sông Đà cũng có động đất kích thích. Thời điểm xảy ra hiện tượng động đất cũng khác nhau", tiến sĩ Xuân Anh nói.

Động đất liên tục khiến người dân có phần lo lắng.

Động đất liên tục khiến người dân có phần lo lắng.

Tiến sĩ Xuân Anh cũng cho biết thêm: "Mới đây, Viện Vật lý Địa cầu đã lắp đặt thêm 1 trạm quan trắc tự động ở xã Măng Bút, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Tính đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 12 trạm quan trắc để theo dõi tình hình đồng đất tại Kon Tum, trong đó có 8 trạm cố định và 4 trạm di động. Viện cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về động đất để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này".

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kon-tum-lien-tiep-xay-ra-hang-chuc-tran-dong-dat-trong-mot-ngay-204240821113500476.htm