Kon Tum nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ

Đầu năm học 2022-2023, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tiến hành triển khai tuyển dụng hết số lượng được giao, thế nhưng, đến nay vẫn thiếu 973 giáo viên các cấp. Ngành giáo dục tỉnh Kon Tum đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách tạm thời, bảo đảm việc dạy và học đúng chương trình đề ra, cơ bản giải quyết tình trạng trên.

Cô Cao Thanh Diễm Quỳnh được phân công dạy Tiếng Anh liên trường tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.

Cô Cao Thanh Diễm Quỳnh được phân công dạy Tiếng Anh liên trường tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.

Năm học 2022-2023, thành phố Kon Tum còn thiếu 159 giáo viên, trong đó thiếu 121 giáo viên mầm non và 38 giáo viên tiểu học.

Để khắc phục tình trạng này, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp như chỉ đạo các trường biên chế số lớp, số học sinh/lớp đúng quy định Điều lệ trường học để sắp xếp, bố trí giáo viên các trường hợp lý; sắp xếp, sáp nhập các điểm lẻ về điểm trường chính, qua đó sáp nhập 7 điểm trường, gồm 2 điểm lẻ mầm non và 5 điểm lẻ tiểu học về trường chính. Điều chuyển giáo viên các trường thừa sang trường thiếu để bảo đảm định mức, phù hợp từng đơn vị để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và phổ thông.

Đối với các bộ môn như Tin học, Tiếng Anh tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum đã bố trí giáo viên dạy liên trường, mỗi giáo viên dạy 2 trường học. Sắp xếp giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học của cấp trung học cơ sở để dạy cho cấp tiểu học, qua đó, 13 giáo viên Tiếng Anh, 10 giáo viên Tin học trung học cơ sở được phân công đến dạy ở cấp tiểu học.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum Thái Khắc Hòa cho biết, các giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp trung học cơ sở đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum bồi dưỡng về kỹ năng dạy học tại cấp tiểu học. Do đó, khi được phân công dạy liên trường, các giáo viên đã thể hiện tốt về mặt chuyên môn.

Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện điều chuyển 19 giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu dạy học để bảo đảm định mức phù hợp từng đơn vị khi thực hiện chương trình giáo dục mầm non và phổ thông. Từ đó, giảm bớt gánh nặng cho các trường khi rút gọn được lớp học, không phải phân công giáo viên đi các điểm khác.

Cô Cao Thanh Diễm Quỳnh, giáo viên Tiếng Anh của Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Thắng Lợi được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum phân công dạy liên trường tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong với 6 tiết/tuần.

Cô Quỳnh cho biết: “Thời gian đầu có khó khăn nhưng tôi cũng sắp xếp thời gian để bảo đảm việc dạy tại hai trường, giúp các em nắm bắt được nội dung chương trình học. Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đã tạo điều kiện thuận lợi, sắp xếp thời khóa biểu linh động để giáo viên dạy liên trường như tôi đạt hiệu quả cao trong công tác”.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong Mai Thị Dung chia sẻ, việc phân công giáo viên dạy liên trường cơ bản đã khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại cơ sở, đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục. Trường sở tại đã phối hợp chặt chẽ với với trường mà giáo viên dạy liên trường công tác. Từ đó, sắp xếp cụ thể về thời gian biểu, tạo điều kiện cho giáo viên công tác thuận lợi ở 2 trường. Các giáo viên sẽ có thời gian đi lại, chấm bài, đánh giá học sinh và tham gia các hoạt động khác.

Các giáo viên dạy liên trường sẽ được phân công số tiết dạy phù hợp, bảo đảm theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo viên sẽ được nhà trường, nơi thuộc biên chế trả lương đầy đủ, bảo đảm về mặt quyền lợi cho giáo viên khi công tác tại hai trường.

Cô Trần Thị Hồng Vân chủ động xin luân chuyển từ trường thừa qua trường thiếu, giúp ổn định công tác dạy học tại trường mới.

Cô Trần Thị Hồng Vân chủ động xin luân chuyển từ trường thừa qua trường thiếu, giúp ổn định công tác dạy học tại trường mới.

Khi biết trường mình đang dư 2 giáo viên và chủ trương điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, cô Trần Thị Hồng Vân, giáo viên Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Hòa Bình đã xung phong chuyển về Trường Tiểu học Quang Trung.

Cô Vân chia sẻ, lúc đầu khi chuyển từ một ngôi trường mình đã gắn bó lâu năm về môi trường mới cũng còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng được sự quan tâm, động viên của Ban Giám hiệu nhà trường nên cô đã dần thích nghi và được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 1B.

Với những khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Đinh Thị Lan cho biết, trước mắt, Sở tiếp tục tổ chức tuyển dụng giáo viên bổ sung; tiếp tục rà soát, phân công, bố trí, điều hòa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên địa bàn từng huyện, từng trường để khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương; đồng thời phân công, bố trí giáo viên dạy liên trường ở các trường gần nhau, giao thông thuận lợi.

Sở cũng phân công, bố trí giáo viên cấp trung học phổ thông giảng dạy một số tiết ở các môn còn thiếu cấp trung học cơ sở và giáo viên trung học cơ sở dạy các môn còn thiếu ở cấp tiểu học.

Về lâu dài, Sở kiến nghị Trung ương cần sớm bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên còn đang thiếu tại tỉnh như giáo viên mầm non, tiểu học. Việc bổ sung chỉ tiêu biên chế cho các địa phương được xem là giải pháp căn cơ giúp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum còn cử giáo viên các môn tham gia đào tạo văn bằng 2 để giảng dạy các môn còn thiếu tại các cấp học; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại địa phương. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng dạy học, trang bị đầy đủ kiến thức cho học sinh trong năm học này và các năm tiếp theo.

PHÚC THẮNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kon-tum-no-luc-khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-cuc-bo-post723052.html