KTSG số 36-2022: Thương mại quốc tế thoái trào và 'ngoại lệ Việt Nam'

Sau khi WTO ra đời năm 1995 thay cho GATT, tỷ lệ thương mại quốc tế bắt đầu tăng cao, nhưng từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 thì thoái trào và hiện ở mức 46%. Dù vậy, Việt Nam là ngoại lệ, thậm chí kinh tế còn được đẩy mạnh từ năm 2008, hiện ngoại thương về hàng hóa của Việt Nam đạt mức trên 180% GDP.

Một hồ sơ về “quá trình ngoại lệ thoái trào” của kinh tế Việt Nam được chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt phân tích trong bài viết của mình trên KTSG phát hành sáng mai (8-9) có tựa đề Thương mại quốc tế thoái trào, Việt Nam là ngoại lệ.

Theo tác giả, khả năng toàn cầu hóa thoái trào sẽ tiếp tục trong tương lai, nhất là sau cuộc chiến Nga-Ukraine và sự đe dọa hòa bình của Trung Quốc. Còn Việt Nam, tuy là ngoại lệ, nhưng nếu “nội soi” chiều hướng phát triển kinh tế hiện tại thì đang rơi vào tình hình với ba đặc điểm: (i) quá dựa vào xuất nhập khẩu; (ii) quá dựa vào đầu tư nước ngoài trong công nghiệp chỉ nhằm thu hút lao động giản đơn; (iii) dễ bị ép từ nhiều phía.

Một cụm nội dung thời sự về room tín dụng cũng xuất hiện với hai bài viết:

Điều gì xảy ra nếu bỏ room tín dụng (Lê Hoài Ân – Nguyễn Thị Như Hảo): Việc bỏ room tín dụng có thể hạn chế vai trò định hướng nguồn vốn của NHNN so với hiện tại, qua đó ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tín dụng của nền kinh tế trong tạo ra tăng trưởng.

Room tín dụng có ngăn được cuộc đua lãi suất? (Châu Phan): Có hay không room tín dụng thì ngân hàng vẫn có nhu cầu tự thân và được phép chạy đua lãi suất một cách hợp pháp khi cần.

Các đề tài kinh tế – xã hội khác trên cùng số báo:

VN-Index “bứt tốc” trong tháng 8! (Thanh Thủy): Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, VN-Index đứng ở mức 1.280 điểm, tương ứng tăng 71 điểm (6,15%) so với cuối tháng 7.

Cổ phiếu điện hút tiền (Triêu Dương): Điểm số cổ phiếu ngành điện bất ngờ tăng trưởng cùng với thanh khoản gia tăng, được dự báo sẽ diễn biến lạc quan trong những tháng cuối năm.

Cổ phiếu dầu khí “nổi sóng” nhờ kỳ vọng vào dự án “khủng”! (Linh Trang): Việc đầu cơ theo sóng cổ phiếu dầu khí trong ngắn hạn đòi hỏi nhà đầu tư phải thận trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường chung vẫn chưa thể vượt qua vùng kháng cự 1.300 điểm.

Lý do khác khiến tỷ lệ nợ công trên GDP giảm (Phan Minh Ngọc): Một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP là lãi suất trái phiếu chính phủ đã giảm mạnh trong giai đoạn 2017-2021.

Trái phiếu chính phủ: Người mua ngần ngại, người bán cũng chẳng mấy mặn mà (Thụy Lê): Lượng TPCP phát hành trong tám tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và đạt tiến độ rất thấp so với kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh ngân sách thừa tiền, Chính phủ không nhất thiết huy động vốn bằng mọi giá, còn phía nhà đầu tư thì đang lo ngại rủi ro lãi suất.

Tư nhân tài trợ lập quy hoạch dẫn đến hậu quả gì? (LS. Nguyễn Tiến Lập): Cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều bởi việc “tư nhân hóa quyền lực công”.

ĐBSCL: cần được cởi trói để phát triển đô thị và công nghiệp (Võ Hùng Dũng): Các thiết kế đầu tư, chính sách kinh tế cho ĐBSCL vẫn nhắm đến trọng tâm thúc đẩy nông nghiệp, thế nhưng nền tảng kinh tế vùng này đang dần trở nên suy yếu trên thực tế.

Khi nông dân chê “tự động” (Trung Chánh): Việc nhân rộng mô hình sản xuất lúa thông minh ứng dụng công nghệ mới đang gặp khó khăn khi khả năng đầu tư của người nông dân có giới hạn mà lợi nhuận thì chưa có sự khác biệt.

Bảo vệ thông tin riêng tư như bảo vệ tài sản (mục Ý kiến): Nhà nước cần thiết ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định các nơi sử dụng thông tin cá nhân phải có các lớp rào chắn bảo vệ thông tin mà họ thu thập được.

Cần chuẩn hóa cả về nội dung và phương thức giáo dục trực tuyến trong nhà trường (Phương Anh phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Chương trình Khoa học tự nhiên, Hệ thống Giáo dục HOCMAI): Muốn tổ chức dạy và học trực tuyến hiệu quả hơn cần chuẩn hóa về cả nội dung lẫn phương thức, bên cạnh việc thiết lập một hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ hơn.

Để khu công nghiệp có thể chung tay xây trường mầm non… (Nguyễn Minh Hòa): Nhu cầu trường học, nhất là trường mầm non, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất lớn, nhưng các nhà đầu tư khó mở trường bởi… Nghị định 36. Vì sao?

Việt Nam trên đường đến thịnh vượng, đào đâu ra lao động trình độ cao? (Hiệu Minh): Người lao động Việt Nam chịu khó nhưng vẫn bị hạn chế về ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và suy luận, khiến nhiều người chỉ có thể làm những công việc làng nhàng.

Định hình lại du lịch Việt sau mùa lễ 2-9 (Ricky Hồ): Dịp nghỉ lễ 2-9 vừa qua như phép thử để đánh giá lại những thay đổi trong hành vi tiêu dùng ở mảng hàng không, du lịch và khách sạn, giúp định hình dịch vụ cho mùa du lịch Tết Dương lịch và Tết Quý Mão 2023.

Đến Krông Pa thưởng thức bò một nắng – muối kiến vàng (Đỗ Quang Tuấn Hoàng): Người dân ở “chảo lửa Krông Pa” đã biến thịt con bò cỏ và con kiến vàng thành sản vật đặc hữu để làm giàu.

Tài sản trí tuệ: Bảo vệ quá mức cũng gây hại (Lê Vũ Vân Anh): “Cho đến thời điểm này, mọi sáng tạo đều dựa trên tác phẩm của những người đi trước. Sự bảo vệ tài sản trí tuệ quá mức sẽ bóp nghẹt những lực lượng sáng tạo mà đáng lẽ ra phải được nuôi dưỡng”, theo thẩm phán Alex Kozinski trong một vụ kiện về sở hữu trí tuệ.

Đừng để bị kẹt trong những nấc thang nghề nghiệp (Lê Hoài Ân – Nguyễn Phan Huy): Không phải ai cũng có cơ hội phát triển tiềm năng của bản thân trong công việc. Vậy phần lớn người lao động còn thiếu kỹ năng nghề nghiệp quan trọng nào?

Sức mạnh của thương hiệu cá nhân (Duy Ái): Trong thời đại ai cũng có thể trở thành kênh thông tin thì mỗi người đều có thể gây dựng bản sắc, tạo thương hiệu cá nhân.

Một “cú sốc vào đời” do lỗi người lớn (Mục Nhĩ): Năm nay, do Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi quy trình nên giấy báo trúng tuyển đại học bị chậm hơn các năm trước. Trong khi đó, các ban chỉ huy quân sự vẫn áp dụng lịch đăng ký nghĩa vụ quân sự như từ trước đến nay. Hàng ngàn chàng trai hăm hở bước vào đời bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan vì sự tắc trách của người lớn.

“Review phim” và ranh giới của ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả (Lê Vũ Vân Anh): Đang có tình trạng vi phạm điều 25.7 Luật Sở hữu trí tuệ, đó là làm tác phẩm (video) phái sinh mà chưa được phép của tác giả. Ở phạm vi hẹp hơn, việc review phim cần phải như thế nào thì mới không xâm phạm quyền tác giả?

Tiếng thì thầm của những đồ vật cũ (Vũ Thị Huyền Trang): Chẳng hiểu sao căn nhà kho đựng những đồ vật cũ của bà tôi vẫn còn nguyên, dù lúc bà còn sống, bố tôi đã nhiều lần muốn bán đống đồ cũ cho cô mua đồng nát. Thời bây giờ, người ta dễ dàng vứt bỏ nhiều thứ, trong đó có cả tình nghĩa…

Tùy bút Những người lặng lẽ đêm khuya của Phú Thành; Trung thu và miền di trú của Cát Lâm.

Các đề tài kinh tế thế giới:

Tương lai nào cho metaverse? (Thiên Kim): Hiện nay, khoảng 20% nền kinh tế thế giới được coi là “số hóa”, trong khi 80% còn lại cũng vận hành nhờ vào thế giới số. Tới đây, con người có thể sẽ tồn tại trong thế giới ảo, dưới dạng không gian ba chiều, chứ không chỉ “đứng ngoài” như hiện nay.

Trợ cấp nhiên liệu đi ngược xu hướng phát triển bền vững (Song Hảo): Nghịch lý hiện nay: các nước giàu càng đổ nhiều tiền trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch dù luôn hô hào về năng lượng sạch; các nước nghèo sau một thời gian thực hiện buộc phải tạm dừng vì cạn kiệt ngân khố.

Trung Quốc: khủng hoảng bất động sản làm tăng nợ xấu (Lạc Diệp): Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng Trung Quốc tăng cao, lợi nhuận suy giảm.

Thị trường dầu mỏ sẽ như thế nào? (Song Thanh): Thỏa thuận hạt nhân Iran và kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga của phương Tây vẫn là những ẩn số. Thị trường dầu mỏ được dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động khó lường.

Pin sẽ là thân xe (Nguyễn Vũ): Các nhà sản xuất xe điện đang tính toán thiết kế lại dàn pin sao cho chúng trở thành một phần của thân xe, vừa đóng vai trò trữ năng lượng, vừa là bộ khung chắc chắn và giúp giảm trọng lượng khung xe, tăng dung lượng pin và tăng quãng đường đi được sau mỗi lần sạc pin.

Mời bạn đọc đón xem!

Tòa soạn KTSG

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ktsg-so-36-2022-thuong-mai-quoc-te-thoai-trao-va-ngoai-le-viet-nam/