Kỳ 1: 5 quan điểm - hướng đi mới cho xây dựng và thực thi pháp luật

Theo Nghị quyết số 66-NQ/TW, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nghị quyết số 66-NQ/TW - giải pháp đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô Thị và TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cùng chủ trì buổi Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)". Ảnh: Khánh Huy

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô Thị và TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cùng chủ trì buổi Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)". Ảnh: Khánh Huy

LTS: Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới vừa được Bộ Chính trị ban hành không chỉ là một bước đột phá chiến lược trong xây dựng và thực thi pháp luật, mà còn là sự khẳng định nỗ lực cải cách quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Từ số này, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội có loạt bài ghi nhận.

Kim chỉ nam trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Theo Nghị quyết số 66-NQ/TW, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không ngừng được hoàn thiện. Nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư. Việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà. Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Chậm nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi mang tính thời đại, để đất nước vững bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, giàu mạnh, hùng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, phấn đấu tăng trưởng kinh tế “hai con số”, công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Từ tình hình trên, Bộ Chính trị yêu cầu quán triệt thực hiện tốt nhiều nội dung về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết nêu 5 quan điểm chỉ đạo:

Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng tới chính sách. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, DN trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số”, nâng cao đời sống của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.

Đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số và có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ này.

Đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới

Theo Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc ban hành Nghị quyết là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những đòi hỏi cao hơn về thể chế pháp luật để thực hiện thành công mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Điều này đòi hỏi một hệ thống pháp luật hiện đại, đồng bộ và khả thi.

Cùng với đó cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ, đặt ra những vấn đề mới, phức tạp về pháp lý cần được nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời. Hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi hệ thống pháp luật trong nước phải tương thích với các cam kết quốc tế và thông lệ quốc tế.

Mặt khác, công tác xây dựng và thi hành pháp luật những năm qua còn không ít hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ là một định hướng về kỹ thuật lập pháp, mà là một bản thiết kế chiến lược để tái cấu trúc nền tảng thể chế quốc gia. Với sự hoàn thiện xây dựng chính sách và thực thi pháp luật, một hệ thống pháp luật hiện đại, khả thi, minh bạch sẽ là lợi thế phát triển đặc biệt quan trọng bệ phóng cho đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, văn minh và giàu mạnh.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, vai trò kiến tạo của pháp luật càng trở nên cấp thiết. Khi pháp luật trở thành “đột phá của đột phá”, đó cũng là lúc Nhà nước thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền và xã hội phải luôn kỷ cương, sáng tạo và phát triển bền vững.

(Còn nữa)

"Phải đặc biệt quan tâm khâu tổ chức thực hiện"

Nghị quyết 66- NQ/TW là văn bản mang tính đột phá chiến lược tạo thuận lợi cho Bộ, ngành Tư pháp. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm khâu tổ chức thực hiện, trước hết là quán triệt sâu sắc đến Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức pháp chế. Nghị quyết 6666- NQ/TW đã có nhiều cơ chế tốt về tài chính cho xây dựng và thi hành pháp luật, tuy nhiên cần phải nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác này.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-5-quan-diem-huong-di-moi-cho-xay-dung-va-thuc-thi-phap-luat-424759.html