Kỳ 1: Bát bản mệnh và sự trân trọng đầy huyền bí

Theo tục lệ xưa truyền đến đời nay của người Vân Kiều, mỗi thành viên trong gia đình khi sinh ra đều được bố mẹ, hoặc ông bà chọn một chiếc bát đặt hoặc treo lên cao, sát ban thờ. Nó không khác nào chiếc bát bản mệnh, nên người Vân Kiều rất sợ và kiêng kị mỗi khi bát bị vỡ.

Nghi lễ cúng thần núi, thần rừng…

Thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị đón tôi vào một ngày mưa phùn lạnh lẽo. Hạnh cùng anh bạn đã chờ sẵn rồi cho xe đưa cả đoàn chạy vào con đường đất vắng vẻ, uốn theo những sườn đồi, nhiều chỗ đất bị sạt cả mảng lớn xuống vực sâu hun hút. Sương đặc quánh phủ kín xe và đường đi. Nơi nghỉ chân của chúng tôi là trạm điều khiển thuộc một công ty điện gió ở tít trên đỉnh một quả đồi, nơi Hạnh đang làm việc.

Những chiếc bát bản mệnh tại một gia đình người Vân Kiều thường được treo trên cao, ở vị trí trang trọng. Ảnh: N.H.

Những chiếc bát bản mệnh tại một gia đình người Vân Kiều thường được treo trên cao, ở vị trí trang trọng. Ảnh: N.H.

Càng lên cao sương trộn lẫn với mây mờ mịt, bên tai liên tục vọng lại tiếng hú từ cánh của mấy quạt gió, hệt tiếng máy bay bay trên đầu, nghe rất liêu trai. Sáng mai, công ty của Hạnh sẽ làm lễ tạ ơn thần rừng, cầu mong sự yên ổn, vì sau những ngày thi công các cột có cánh quạt điện gió, giờ điện đã hòa vào hệ thống truyền tải quốc gia.

Mờ sáng, tại khoảng đất trống của bản Cheng - nơi sinh sống của đồng bào Vân Kiều, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, Trưởng bản Hồ Ta Ai thành kính chắp tay về phía bàn lễ, miệng nói to, hệt tiếng chiêng ngân dài: “Cầu xin Yàng (Trời- P.V), xin thần núi, thần rừng, thần khe suối che trở cho dân làng, che trở cho cán bộ, công nhân công ty luôn mạnh khỏe, làm ăn phát đạt để giúp dân bản có cuộc sống sung túc”. Xung quanh Trưởng bản, hơn 40 người cả nam, nữ, già, trẻ cũng thành kính chắp tay.

Lễ vật là một con bò được chế biến thành nhiều món ăn. Hồ A Thông, một thanh niên sống tại bản giải thích cho vị khách mới là tôi: “Vì là lần đầu, nên lễ cúng này to, những năm sau chỉ cần cúng lợn hay gà cũng được”.

Trưởng bản Hồ Ta Ai tóc không bạc, da không đồi mồi, người không vận khố và miệng cũng chẳng ngậm tẩu thuốc như tôi tưởng tượng. Đó là người đàn ông khoảng 57 tuổi, miệng tươi, nước da đen khỏe và khá thân thiện. Ở bản, vị trí Trưởng bản được truyền theo hình thức nối ngôi. Nếu người cha là Trưởng bản chết đi thì vị trí đó sẽ được truyền lại cho người con trai.

Thấy khách lạ đang tò mò nhìn vào những chiếc bát giống như bát ăn cơm được xếp hàng ngang, sát vị trí bàn thờ trong ngôi nhà sàn của mình, Trưởng bản Hồ Ta Ai nói: “Theo tục lệ xưa truyền đến đời nay của người Vân Kiều, mỗi thành viên trong gia đình khi sinh ra đều được bố mẹ, hoặc ông bà chọn một chiếc bát đặt hoặc treo lên cao, sát ban thờ. Nó không khác nào chiếc bát bản mệnh nên người Vân Kiều rất sợ và kiêng kị mỗi khi bát bị vỡ. Con dâu về nhà chồng, trở thành thành viên chính thức cũng được người có vị trí cao nhất trong gia đình trang trọng đặt bát vào hàng bát của các thành viên khác. Không may bát bị vỡ thì người nhà sẽ phải chuẩn bị gà, rượu… để xin thần linh, tổ tiên cho lập bát mới".

Những khu rừng kỳ bí

Bản Cheng nhỏ xíu với những nóc nhà cấp bốn, xen lẫn nhà sàn nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, nếu không có con đường khá rộng chạy ngang qua, chắc cuộc sống người dân cũng lặng lẽ như vẻ trầm mặc của núi rừng. Sát bản là những cánh rừng xanh thẫm, ở đó có nhiều cây cổ thụ uy nghi vút ngọn cao lên nền trời hệt cây mác dựng ở góc nhà Trưởng bản. Đẹp và kỳ bí là thế nhưng đừng dại dột đặt chân vào nếu như không muốn phạm vào điều đại kị, vì đó là rừng thiêng, “Rừng ma”.

Một góc bản Cheng. Ảnh: N.H

Một góc bản Cheng. Ảnh: N.H

Ngay con suối La La có đoạn chảy dưới chân “Rừng ma” cũng mang nhiều câu chuyện huyền bí. Chuyện kể rằng ca khúc: “Ơi con suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục được sáng tác bắt nguồn từ một trận đánh thắng hơn 200 lính thủy đánh bộ Mỹ của 10 chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của Tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ. Chiến sự diễn ra nơi quả đồi có tên “Không tên”, phía dưới hiện hữu dòng suối La La.

Hàng chục năm sau, nhất là lúc trời tối, trên con đường đất đỏ, lúc tỏ lúc mờ bởi sương giăng bủa, thỉnh thoảng dân bản lại gặp những đoàn quân với lá ngụy trang hối hả hành quân, nhưng không hề phát ra một tiếng động. Người dân chưa kịp cất tiếng hỏi thì rất nhanh đoàn quân đông đảo ấy như tan biến vào sương khói. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng âm vang của một cuộc chiến vệ quốc đầy oai hùng của dân tộc Việt Nam như vẫn còn đó. Nhưng đoàn quân như thế không chỉ xuất hiện bên suối La La mà còn ở nhiều địa danh khác của mảnh đất Quảng Trị.

Quay trở lại, “Rừng thiêng- Rừng ma”. Vì sao những cánh rừng rất nên thơ ấy lại được gọi bằng cái tên trái ngược, đầy màu sắc liêu trai? Ông Hồ Ta Búp, 63 tuổi, Bí thư Chi bộ bản Cheng trả lời ngắn gọn: “Đây là nghĩa địa chôn người chết của bản”. Ông Búp không nhớ rõ “Rừng ma” có từ khi nào, chỉ biết rằng, từ rất xa xưa nó đã được nhắc tới trong lời kể của cụ rồi đến ông nội và bố ông.

Kỳ bí là vậy, nhưng những cánh rừng thiêng ấy luôn là niềm tự hào của người Vân Kiều. Với họ “Rừng ma” không chỉ là nét văn hóa riêng của dân tộc mình, ẩn chứa trong đó là hình bóng tổ tiên gắn bó với con cháu các thế hệ, mà còn là lời nhắn nhủ cho những ai đi xa luôn tự hào nhớ về cội nguồn và cao hơn cả là nhân lên trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi thành viên.

Khắc Hạnh

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-1-bat-ban-menh-va-su-tran-trong-day-huyen-bi-184081.html