Kỳ 1: Cầu nối yêu thương, cầu trao hạnh phúc

Cầu Hoa Vàng Cỏ Xanh bằng bê tông, thay cho cây cầu gỗ ở xã An Định, giúp bà con thuận tiện lưu thông. Ảnh: HỒ NHƯ

Chỉ trong 3 năm, họ đã chung tay xây 6 cây cầu dân sinh nhân ái. Thương người dân đất Phú, họ làm thiện nguyện trong suốt thời gian dài với những giúp đỡ đáng ghi nhận. Và ở đó, họ dành tình cảm đặc biệt cho bà con quê nghèo vùng “rốn lũ” Tuy An từ những nhu cầu bức thiết, cũng như góp phần xây dựng bức tranh nông thôn mới.

Đã có những cái chết thương tâm, những dở dang trong mưu sinh mùa mưa lũ… thì quý biết nhường nào những cây cầu nối nhịp, tạo sự an yên cho bà con từ việc kết nối yêu thương của những tấm lòng thiện tâm.

Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh cánh tay đục xuyên mái ngói giơ lên cầu cứu từ một căn nhà ngập đến nửa mái ở vùng 3, xã An Định trong trận lũ lịch sử năm 2009. Các xã An Định, An Dân, An Cư, An Thạch… của huyện Tuy An như cái “túi” đựng nước vào mùa mưa lũ. Nằm dọc hai bên bờ sông Cái (còn gọi là sông Kỳ Lộ), mỗi năm vùng này phải hứng chịu nhiều trận lũ.

Sau một cơn mưa, đôi bờ chia cắt

Những con đường liên xã, liên thôn ngập ngụa vào mùa mưa là nỗi khổ của người dân. Giữa các vùng là đồng ruộng, con đường đất đưa trẻ em đến trường, đưa bà con ra đồng cắt cỏ, đưa người đi chợ, đi gánh nước… sẽ biến mất khi mùa mưa lũ đến.

Tại xã An Định, trước đây có một chiếc cầu tạm được gia cố bằng cọc tre nối giữa vùng 3 với vùng 8 nhiều năm đều có người té xuống nước vì cheo leo, lắt lẻo. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ, hai khu vực này sẽ bị chia cắt hoàn toàn. Từ cầu bằng những vỉ tre đan vào nhau, bị nước lũ cuốn trôi, thay mới bằng cầu gỗ cũng không cải thiện tình hình. Vào mùa mưa, khu vực vùng 3, vùng 8 thường xuyên chia cắt, có khi đến cả tháng trời. Bà con muốn qua lại phải đi đường vòng rất xa.

Từ vài trăm triệu đến hơn một tỉ đồng cho mỗi chiếc cầu: Nhất Trí, Hòa Lạc, Hoa Vàng Cỏ Xanh, Mỹ Long, Hòa Thạnh, Đồng Nổ, nhóm thiện nguyện đã chung tay nối nhịp bờ vui. Cầu đã bắc nhịp cho bao em thơ đến trường mùa lũ; nối nhịp cho việc vận chuyển lúa thóc, gia súc, gia cầm… dễ dàng giữa các vùng; bớt đi những mất mát tang thương không đáng có do thiên tai.

Cây cầu xinh đẹp khác bắc qua sông nối từ vùng 9 sang vùng 10 từng đi vào bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sau mùa mưa lũ năm 2017 cũng vẹo sang một bên, người điều khiển xe máy không dám đi qua, người đi lại khó khăn, trẻ em đi học qua cầu phải có người dắt. Hai bên là đồng lúa mênh mông, dòng sông xanh lượn quanh, nhưng mỗi khi trời mưa lại trở thành nỗi ám ảnh của bà con nơi đây.

Anh Văn Ngọc Cường ở vùng 9, chia sẻ: Mỗi khi trời mưa, nước sông lên nhanh, cầu lại ngập. Gần như gia đình nào cũng sẵn ghe, xuồng để qua lại đoạn sông này. Mùa mưa ngập là vậy, nhưng mùa nắng cũng không khá hơn. Cầu làm bằng gỗ nên rất yếu, muốn vận chuyển lúa qua cầu, phải chia nhỏ ra chở bằng xe máy. Không chỉ bà con gặp khó khăn trong sản xuất mà trẻ con đi học ở vùng này cũng rất vất vả.

Ở phía tả ngạn, xã An Dân cũng trong hoàn cảnh tương tự. Hàng năm cứ vào mùa lũ là mọi người vất vả bì bõm trên những con đường làng đã hóa thành sông.

Bao bi kịch, khó khăn

Người dân ở thôn Phong Hậu, xã An Định cho biết trước kia, bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi đi qua cây cầu gỗ tạm bợ, rệu rã hơn 25 năm tuổi. Mưa lũ đến, người dân không buôn bán được; học sinh có khi phải nghỉ học cả tuần vì nước lớn; sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít trở ngại vì cầu quá yếu, khó vận chuyển nông sản.

Dù mối nguy hiểm luôn đe dọa tính mạng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cũng như cuộc sống, nhưng đa phần bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn nên không có khả năng đóng góp để xây cầu. Ông Nguyễn Văn Quý ở thôn này kể, 3 năm trước, do mưa lũ nên cây cầu ngập sâu trong nước khiến cháu gái 8 tuổi của ông trên đường đi học về bị đuối nước. Hơn ai hết, ông Quý thấu hiểu nỗi mất mát người thân và cảm nhận được những vất vả, lo lắng của bà con.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã An Định, từng trăn trở: “Biết là bà con đi trên những chiếc cầu này rất nguy hiểm, nhưng địa phương không có kinh phí xây cầu nên đành phải chờ cấp trên”.

Bà con thôn Mỹ Long (xã An Dân) thì luôn trăn trở mỗi khi con nước về. “Bò trôi, trẻ trôi qua suối Thầy Ba… là nỗi ám ảnh của chúng tôi”, bà Đặng Thị Tâm (60 tuổi) ở Mỹ Long xót xa. Còn với người dân thôn Hòa Thạnh, 2 xóm nơi phía núi của xã An Cư bị chia cắt khi lũ lụt. Mùa mưa không có nơi cho bà con đi đã đành, vào mùa hạn thì dân gánh nước giếng làng phải đi hơn 500m, trong khi nếu có cầu bắc qua thì họ chỉ phải gồng gánh trên đoạn đường 30m…

Niềm vui này không thể nào diễn tả hết. Xây dựng cầu dân sinh là việc làm hết sức cấp thiết, đáp ứng mong mỏi của người dân. Những cây cầu góp phần bảo đảm an toàn giao thông nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Các công trình mang ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An

Ước mơ thành hiện thực

“Cuối cùng, ước muốn có được cây cầu kiên cố phục vụ cho việc đi lại của người dân địa phương cũng thành hiện thực. Cây cầu Nhất Trí giúp các cháu học sinh có thể hàng ngày đến trường an toàn, không phải nghỉ học vào mùa mưa lũ, hay lo sợ bị nước lũ cuốn trôi nữa. Cây cầu kiên cố cũng rất tiện lợi cho bà con chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Quý vui mừng nói. Còn ông Trần Thức ở cùng thôn, phấn khởi cho biết: “Tôi từng suýt bị nước cuốn trôi khi đi trên cây cầu gỗ nên cảm nhận được nỗi lo sợ của bà con. Giờ được đi trên cây cầu bê tông kiên cố thay cho cây cầu tạm bợ, chúng tôi rất vui”.

Với lãnh đạo xã An Định, 3 cây cầu Nhất Trí, Hòa Lạc, Hoa Vàng Cỏ Xanh được xây dựng trong 2 năm 2017-2018 có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo an toàn giao thông trong những ngày mưa lũ, tạo thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán của bà con.

Mới đây, đầu tháng 10/2019, cầu Đồng Nổ được đưa vào sử dụng, kịp phục vụ nhu cầu dân sinh, đem đến niềm vui vỡ òa cho nhiều người. Ông Lê Văn Hòa ở gần cầu Đồng Nổ (xã An Hải), vui mừng: “Nhà tôi ở sát bờ suối. Từ ngày cầu được khởi công, ngày nào tôi cũng ra đây ngóng chờ hoàn thành từng hạng mục. Mùa lũ năm ngoái nước chảy xiết, cầu bị cuốn trôi, các hộ dân hai bên lòng suối cũng bị uy hiếp, tất cả phải sơ tán tránh lũ. Năm nay thì yên tâm rồi, cầu được xây mới, bà con đi lại thuận tiện hơn và yên tâm sinh sống”.

Đầu năm 2019, UBND xã An Dân khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Long bắc qua suối Thầy Ba. Tại lễ khánh thành, bà Nguyễn Thị Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Dân, cho biết: “Xây dựng một cây cầu kiên cố bắc qua suối là niềm ao ước của bà con nhân dân, cũng là trăn trở của chính quyền địa phương. Cầu Mỹ Long đã góp phần giúp bà con xã An Dân đi lại thuận tiện, đặc biệt trong mùa mưa lũ”. Đứng trước cây cầu kiên cố, bà con địa phương và các cháu học sinh bày tỏ sự vui mừng khi nỗi lo cách trở đò giang, mưa lũ bớt đi phần nào. Cụ bà 85 tuổi Phạm Thị Mạch nước mắt rưng rưng: “Bao năm mong chờ, nay tôi đã thỏa nguyện rồi, có nhắm mắt ra đi cũng yên lòng vì đã bớt lo cho con cháu sinh sống tại đây”.

Kỳ cuối: Trên những hành trình giúp dân

THU THỦY - HỒ NHƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/231190/ky-1--cau-noi-yeu-thuong-cau-trao-hanh-phuc.html