Kỳ 1 - Dòng chảy di sản văn hóa của đồng bào DTTS

Tỉnh Quảng Ngãi (mới) có 43 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, thể hiện bản sắc tộc người, góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa chung. Đây là địa phương có cộng đồng dân tộc giàu bản sắc bậc nhất cả nước, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.

Trình diễn Chiêng ba của đồng bào Hrê

Trình diễn Chiêng ba của đồng bào Hrê

Đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Ngãi mới có truyền thống văn hóa độc đáo, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, được lan tỏa và trao truyền từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện bản sắc riêng biệt của từng dân tộc. Qua đó, góp phần tạo nên những dòng chảy di sản văn hóa đặc sắc và đa dạng.

Đa dạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tỉnh Quảng Ngãi (mớ) có 2 di sản văn hóa được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 14 di sản được Bộ VHTTDL công nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với các loại hình đa dạng như lễ hội, tập quán tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian.

Đến hiện nay, chủ nhân của 10/16 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là đồng bào DTTS miền Tây Quảng Ngãi.

Nằm ở dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, từ các tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Nam (nay thuộc TP Đà Nẵng), Khánh Hòa, hầu như các dân tộc ít người cũng đều có bộ cồng chiêng của riêng mình.

Chiêng của dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên nói chung và đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ngãi nói riêng là nhạc cụ linh thiêng và phổ biến; được dùng chủ yếu trong lễ tế, lễ hội (nhạc cụ nghi lễ) và do nam giới diễn tấu. Bộ chiêng của người Co gồm hai chiếc không có núm; Chiêng vợ và Chiêng chồng.

Người Hrê gọi chiêng là chinh, gồm 3 chiếc chiêng bằng (Chinh Ba) và chinh năm chiếc (Chinh Năm). Người Brâu có 3 loại chiêng, trong đó quý nhất là Chiêng Tha (2 chiếc). Bộ chiêng la Mnông hoặc Mạ (từ 3 đến 6 chiếc). Chinh Knah của người Ê đê (9-11 chiếc), người Rơ Mâm (11 chiếc), Chinh Arap của người Jrai (11-20 chiếc), chinh chênh của người Ba Na, Xơ Đăng (9-12 chiếc)…

Người đồng bào tin rằng trong mỗi cái chiêng đều có “thần: Cơi/Yang”. Khi mua chiêng về phải cúng hồn chiêng. Trước khi đưa chiêng ra sử dụng, phải cúng chiêng và đánh phép, đặc biệt, không được đường đột mang chiêng ra khỏi nhà.

Bộ cồng chiêng được người đồng bào thiểu số cất giữ ở nơi trang trọng trong nhà gọi là “góc thiêng”. Từ tập quán xã hội - tín ngưỡng, từ sự yêu thích âm nhạc, các dân tộc ít người tỉnh Quảng Ngãi đã tạo ra những thanh âm, tiết tấu, điệu chiêng kỳ diệu,…

Vì vậy, năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Chủ nhân của di sản này là 17 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Austro-Asian) và Nam đảo (Austronesian) thuộc các tỉnh Kon Tum (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi), Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng và Đăk Nông (nay là tỉnh Lâm Đồng).

Nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng của người Co, Nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba của người Hrê được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào các năm 2019, 2021.

Người Hà Lăng, xã Rờ Kơi biểu diễn cồng chiêng

Người Hà Lăng, xã Rờ Kơi biểu diễn cồng chiêng

Trải qua bao thế kỷ, ước vọng người an vật thịnh từ các nóc nhà rông, nhà sàn đến các plây, buôn (làng) luôn hiện hữu trong cộng đồng người thiểu số và hình thành các lễ hội đặc sắc như: lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới, lễ tiễn đưa người chết, Tết Ngã Rạ (lễ mừng lúa mới), lễ cúng Bến Nước, lễ Cầu mưa, lễ hội Ăn trâu, Lễ hội điện Trường Bà,...góp phần tạo nên sự linh thiêng, không khí vui nhộn và đặc trưng riêng.

Tiêu biểu, Lễ hội điện Trường Bà ở xã Trà Bồng (trước là thị trấn Trà Xuân), Lễ Ét Đông (Lễ ăn Con Dúi) của người Ba Na Giơ Lăng ở xã Kon Braih, Tết Ngã Rạ và Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co Trà Bồng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào các năm 2017, 2021, 2025.

Không chỉ có sự đa sắc màu trong phong tục mà người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi và Trường Sơn - Tây Nguyên rất thích múa, ca hát và chơi các nhạc cụ dân gian. Ở xã Sa Thầy có điệu múa Chiêu của dân tộc Xơ Đăng Hà Lăng. Người Xơ Đăng Sơn Hà, Trà Xinh có điệu Ca cheo. Người Ba Na có điệu Xoang (suang), múa khiên.

Người Co ở các xã Cà Đam, Trà Bồng, Tây Trà, Thanh Bồng, Tây Trà Bồng, Đông Trà Bồng có điệu Cà Đáo (múa), các làn điệu A giới, A lác, Xà ru, Cà lu và Cà Rùa. Múa Gát khil trong lễ cúng trống mới của người Ê Đê. Ta-lêu và Ka-choi là những làn điệu dân ca quen thuộc của người Hrê…

Trong đó, Nghệ thuật Cà đáo của người Co; Hát Ta Têu và Hát Ca Choi của người Hrê ở Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025.

Thiếu nữ dân tộc Co với trang phục truyền trong không gian rộn ràng của ngày hội Tết Ngã Rạ

Thiếu nữ dân tộc Co với trang phục truyền trong không gian rộn ràng của ngày hội Tết Ngã Rạ

Nghề thủ công truyền thống của đồng bào nơi đây khá đa dạng gắn với không gian sống núi rừng, nương rẫy. Người Hrê, Ba Na rất giỏi dệt vải, đan lát; còn người Gié – Triêng ở làng Đăk Pék (xã Đăk Pék) rất giỏi làm gốm. Hầu như các sản phẩm gốm của họ đều cung cấp cho toàn bộ đồng bào vùng bắc Gia Lai và Kon Tum cũ.

Nổi bật là Làng Teng (xã Ba Thành, nay thuộc xã Ba Động), làng Kon K’tu (xã Đắk Rơ Wa), Kon Klor, Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung nay thuộc phường Kon Tum), làng Kon Ngol Klăh (xã Ngọc Bay) là những làng dệt thổ cẩm nổi tiếng được lưu truyền từ xa xưa. Nghề dệt thổ cẩm Làng Teng của người Hrê được BVHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Hệ thống tri thức, kinh nghiệm của người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi được hình thành và tích lũy trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt văn hóa – xã hội của một cộng đồng, được truyền miệng và truyền lại qua các thế hệ.

Người Cor có nghề trồng quế, nghề trồng gừng gió, kỹ thuật tạo màu trong trang trí cây nêu. Người Gié Triêng cũng có kỹ thuật trồng quế. Năm 2025, Sâm Ngọc Linh thuộc của xã Đăk Long và xã Tu Mơ Rông được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đoàn nghệ nhân và đồng bào các DTTS tỉnh Kon Tum (cũ) tham gia diễu hành tại lễ hội đường phố Quảng Ngãi

Đoàn nghệ nhân và đồng bào các DTTS tỉnh Kon Tum (cũ) tham gia diễu hành tại lễ hội đường phố Quảng Ngãi

Giao thoa văn hóa nơi đại ngàn Trường Sơn - Tây Nguyên

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: “Sự hợp nhất giữa hai địa phương hôm nay không chỉ là sự kết hợp hai đơn vị hành chính, hai không gian phát triển, mà còn là sự hòa quyện giữa hai vùng văn hóa, hai dòng chảy lịch sử.

Tỉnh Quảng Ngãi mới ra đời không những không làm mất đi đặc trưng riêng vốn có, mà là sự hội tụ và kế thừa, phát huy cộng hưởng thế mạnh và tinh thần đoàn kết của hai địa phương, mở ra một không gian phát triển mới, tạo dư địa, nguồn lực và động lực mới để tăng tốc và nâng cao hiệu quả phát triển” .

“Quảng Ngãi tự hào với không gian văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba cái nôi văn minh cổ xưa nhất Việt Nam, nhiều văn hóa dân gian, với bài chòi được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với những điệu lý, câu hòi phản ánh đời sống lao động, tâm tư tình cảm của người dân miền biển, đến với văn hóa ẩm thực đậm đà mà mỗi món ăn còn là một câu chuyện về thiên nhiên, con người và truyền thống quê hương. Thì Kon Tum là cội nguồn văn hóa Tây Nguyên, với văn hóa đặc sắc của 43 dân tộc anh em, với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, với nhà Rông biểu tượng cộng đồng và lễ hội truyền thống, kho tàng sử thi, truyện kể đậm chất hùng ca phản ánh niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của bà con các dân tộc Kon Tum”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.

Trên cơ sở, vừa mang những nét đặc trưng riêng, vừa mang những nét tương đồng và giao thoa văn hóa giữa Kon Tum và Quảng Ngãi, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử và sự dịch chuyển dân cư như về dấu tích văn hóa Champa, cả Quảng Ngãi và Kon Tum đều có những dấu tích liên quan đến văn hóa Champa.

Thành Châu Sa ở Quảng Ngãi được xem là kinh đô đầu tiên và quan trọng của vương quốc Champa (thế kỷ VII - X). Mặc dù không trực tiếp như Quảng Ngãi, sự ảnh hưởng của văn hóa Champa cũng có thể tồn tại trong các luồng di cư và giao lưu văn hóa xa xưa trên đất Kon Tum.

Kon Tum là vùng đất đa dạng với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, đặc biệt là các dân tộc thiểu số tại chỗ, lâu đời nhất như Xơ Đăng, Gié Triêng, Ba Na, Gia Rai, Rơ Măm, Brâu. Ngoài người Kinh, Quảng Ngãi có các dân tộc thiểu số chính như Hrê, Cor, Xơ Đăng Ca dong.

Thông qua các di sản văn hóa đã góp phần khẳng định sự giao thoa giữa các dân tộc trong các loại hình chung của các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên như Lễ hội, tập quán xã hội (lễ mừng cơm mới, lễ cầu mưa, lễ vòng đời, nghệ thuật trang trí cây nêu, các nghệ nhân người Hà Lăng ở xã Rờ Kơi tái hiện lễ hội truyền thống của dân tộc mình ễ ăn trâu, lễ cúng bến nước…).

Các nghệ nhân người Hà Lăng, xã Rờ Kơi tái hiện lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Ngọc Hòa

Các nghệ nhân người Hà Lăng, xã Rờ Kơi tái hiện lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Ngọc Hòa

Nghề thủ công truyền thống (nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát), nghệ thuật trình diễn dân gian (chơi cồng chiêng, trống; các điệu múa Chiêu, múa Xoang, múa Khiêng, Cà Đáo (múa) đều có bố cục vòng tròn, số lượng người đông từ 8-16 người và lấy cây nêu, đóm lửa làm tâm, các lễ cúng, điệu múa đều phục vụ thần linh, sau đó mới đến con người…), tri thức dân gian (truyện cổ Tabon, cách trồng cây quế, …).

Đặc biệt sau năm 1975, hàng chục nghìn người dân Quảng Ngãi đã di cư đến Kon Tum sinh sống, lập nghiệp, tạo nên sự cộng cư và giao thoa văn hóa giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số. Điều này làm cho Kon Tum trở thành một tỉnh có sự đa dạng văn hóa đặc biệt, nơi bản sắc văn hóa Tây Nguyên hòa quyện với những nét văn hóa từ miền đồng bằng duyên hải.

Trong lịch sử kháng chiến, nhiều người con ưu tú của Quảng Ngãi đã sống, chiến đấu và trưởng thành, thậm chí giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng tại Kon Tum như đồng chí Trương Quang Trọng, đồng chí Trần Kiên. Qua đó, tạo nên một mối liên kết lịch sử và góp phần vào sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa hai vùng đất và tạo nên những chảy lịch sử văn hóa qua nhiều thế kỷ từ xưa đến nay.

NHƯ ĐỒNG - TẠ HÀ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/ky-1-dong-chay-di-san-van-hoa-cua-dong-bao-dtts-150255.html