Kỳ 1: Khi tiếng Việt là ngoại ngữ

Câu chuyện về bất đồng ngôn ngữ từ lâu đã là nỗi ám ảnh đối với giáo dục vùng cao, gây khó khăn cho công tác phổ cập giáo dục. Trẻ em không nói thông viết thạo tiếng Việt là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trẻ tự ti, nhút nhát, ngại giao tiếp cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục, thậm chí khiến các em bỏ học sớm.

Tháo gỡ rào cản ngôn ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm thầy cô giáo đang giảng dạy tại các điểm trường vùng cao. Điểm đến đầu tiên là điểm trường Sín Chải A, xã Dìn Chin (huyện Mường Khương), đây là điểm trường xa nhất của Trường Tiểu học Lồ Sử Thàng. Đường đến điểm trường vắt vẻo, chênh vênh lưng chừng núi, một bên là núi cao, một bên là vực sâu thẳm, có nhiều đoạn chỉ vừa bánh xe máy. Điểm trường Sín Chải A có 3 lớp học, trong đó có 1 lớp 1 và 2 lớp ghép 3+4, 2+5 với 44 học sinh, trong đó 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông.

Học sinh Trường Tiểu học Sa Pả (thị xã Sa Pa) hào hứng với “Cây từ vựng”.

Học sinh Trường Tiểu học Sa Pả (thị xã Sa Pa) hào hứng với “Cây từ vựng”.

Cô giáo Nông Thị Thơm, giáo viên của điểm trường là người con của xã Bản Lầu nhưng đã có hơn 8 năm kinh nghiệm “cắm bản” ở những điểm trường vùng cao. Những khó khăn trong những ngày đầu tiên đứng lớp của cô không chỉ là thiếu thốn về cơ sở vật chất, lớp học tạm bợ mà còn là bất đồng ngôn ngữ. Học sinh ở đây 100% là người dân tộc Mông, giao tiếp với bố mẹ ở nhà bằng tiếng bản địa nên đến lớp cũng vậy. Nhớ lại những buổi đầu học tiếng dân tộc, cô phải tự tìm hiểu và học hỏi những người cao tuổi trong thôn, nhờ đó, vốn kiến thức về ngôn ngữ địa phương cũng dần được nâng lên. Buổi học nào cũng phải kéo dài hơn để cố gắng truyền tải đủ cho các em. Sau mỗi tiết học, cô giáo Thơm lại ngồi trò truyện với từng em để cô trò hiểu nhau hơn, dần dần các em cũng quen với việc giao tiếp bằng tiếng Việt. Cô Thơm bảo bây giờ thấy khách đến, các em đã cởi mở nói chuyện, chứ trước kia thì hỏi không em nào trả lời và có lẽ là do vốn tiếng Việt đã khá hơn nên các em mới mạnh dạn giao tiếp hơn trước.

Chia tay cô trò, chúng tôi đến Phân hiệu Bản Giàng 1, Trường Tiểu học Pa Cheo, huyện Bát Xát. Đón chúng tôi là cô giáo trẻ Đinh Minh Hải, người gốc Nam Định. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, cô Hải nhận công tác tại Phân hiệu Bản Giàng 1. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô mong muốn mang kiến thức của mình giúp người dân vùng cao có được con chữ, thoát khỏi đói nghèo. Trước khi đến đây, cô cũng hình dung về những khó khăn phải đối mặt, trong đó có vấn đề giao tiếp với trẻ vùng cao.

Cô Hải tâm sự: Là giáo viên mới ra trường, lại từ dưới xuôi lên và không biết tiếng địa phương nên bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn. Khi vận động học sinh đi học vô cùng khó khăn, phụ huynh không tin, không nghe. Khi lên lớp, học sinh mầm non và tiểu học ít có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt nên thuần túy giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Thế nên mới có những tiết học mà chỉ có cô thao thao bất tuyệt, trẻ ngồi ngơ ngác và hỏi gì cũng không biết. Có những lần vận động học sinh đến lớp, đi cả ngày mới tới được nhà dân nhưng do không biết tiếng Mông nên đến nơi rồi lại quay về. “Những lần sau đó, tôi phải đi cùng cán bộ xã hoặc giáo viên người bản địa để được hỗ trợ”.

Dạy tiếng Việt nơi vùng cao đã là trở ngại lớn, dạy tiếng Anh lại càng khó khăn hơn. Cô Trần Thị Hải Yến là giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học San Sả Hồ (Sa Pa) đã 9 năm. Cô chia sẻ: Đối với học sinh người dân tộc thiểu số, ngoài tiếng mẹ đẻ thì tiếng Việt đã là “ngoại ngữ”, nay còn thêm tiếng Anh. Trường Tiểu học San Sả Hồ có 100% học sinh là người dân tộc Mông. Đa số các em còn khó khăn trong việc sử dụng tiếng Việt, do đó ảnh hưởng phần nào tới việc tiếp thu và kết quả học tập môn Tiếng Anh.

Thời gian đầu mới đi dạy, cô Yến phải nhờ một học sinh lớp 5 làm thông dịch viên để cô hiểu trò, trò hiểu cô hơn. Thời gian rảnh, cô tự học những từ tiếng Mông cơ bản để giao tiếp với học trò. Ngoài ra, cô còn cố gắng học hỏi, trau dồi phương pháp cũng như bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ từ đồng nghiệp, qua những diễn đàn và bài giảng trên mạng xã hội, YouTube… để đem cái mới, cái hay về cho học sinh. Theo cô giáo Yến, trang thiết bị dạy học môn Tiếng Anh của trường còn nhiều hạn chế: Không có phòng nghe nhìn, đồ dùng giảng dạy đều do giáo viên tự trang bị và sách tiếng Anh có khi 2 học sinh sử dụng chung vì không được hỗ trợ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40 nghìn trẻ em là người dân tộc thiểu số, chiếm 69% số trẻ ra lớp ở các độ tuổi, trong đó đa số thuộc dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng. Nhiều trẻ còn nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp. Bên cạnh đó, vốn tiếng Việt của trẻ còn hạn chế, hằng ngày giao tiếp với bố mẹ và cộng đồng bằng tiếng mẹ đẻ, môi trường giao tiếp hạn hẹp. Trẻ chỉ nói tiếng Việt khi ở trường, còn khi về với gia đình lại sống trong môi trường thuần tiếng dân tộc. Môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt hạn chế và không thuần nhất là nguyên nhân khiến việc hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt của trẻ gặp khó khăn, như nói không tròn âm, không rõ tiếng, nói nhanh và diễn đạt câu thiếu thành phần, trật tự câu sử dụng chưa đúng hoặc câu chưa rõ nghĩa…

Giáo dục vùng cao khó khăn là vậy nhưng bằng tâm huyết với nghề “gieo chữ” mà hầu hết thầy cô giáo vẫn nỗ lực trau dồi vốn ngôn ngữ để hiểu trò hơn, giúp trẻ vượt qua rào cản ngôn ngữ để tiếp thu kiến thức.

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/ky-1-khi-tieng-viet-la-ngoai-ngu-z5n20200309082242951.htm